Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho đối tượng thanh toán BHYT (quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-BYT) bao gồm: Chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản.
Bộ Y tế ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BYT thay thế cho Thông tư 15 quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc không thay đổi các yếu tố cấu thành giá khám, chữa bệnh như nêu trên mà điều chỉnh do thay đổi mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng. Do vậy, mức giá điều chỉnh tăng bình quân 3,23%, trong đó giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 11,1%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3,01%.
Cụ thể, giá dịch vụ lượt khám bệnh ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng một tăng từ 33.100 đồng lên 37.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng hai tăng từ 29.600 đồng lên 33.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng ba tăng từ 26.600 đồng lên 29.000 đồng/ lượt; bệnh viện hạng bốn và trạm y tế xã tăng từ 23.300 đồng lên 26.000 đồng/lượt.
Cùng với giá khám bệnh, giá một số dịch vụ khác cũng điều chỉnh tăng, như giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng; giường bệnh hồi sức cấp cứu; giường bệnh ở các khoa: truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, tâm thần, thần kinh, nhi, tiêu hóa, nội tiết, dị ứng, cơ - xương - khớp, da liễu, tai - mũi - họng...
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế không tác động nhiều đến người có thẻ BHYT.
Giá ngày giường điều trị cũng tăng tương ứng, trong đó tiền ngày giường cho bệnh nhân hồi sức tích cực, ghép tủy, ghép tạng, ghép tế bào gốc tại bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt tăng lên 753.000đ/ngày (cao hơn gần 70.000đ/ngày so với hiện hành). Tại bệnh viện hạng 1, giá giường tăng từ 615.600 đồng lên 678.000 đồng.
Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 tăng lên 441.000 đồng. Ở bệnh viện hạng 4, giá dịch vụ này là 242.000 đồng, tăng gần 21.000 đồng so với giá cũ.
Để bảo đảm chất lượng khám bệnh, tại Thông tư số 39/2018/TT-BYT, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu. Đối với các bàn khám thực hiện khám hơn 65 lượt khám/ngày thì cơ quan BHXH chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó.
Trong thời gian tối đa một quý, cơ sở y tế vẫn duy trì bàn khám thực hiện khám hơn 65 lượt/ngày thì cơ quan BHXH không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, việc điều chỉnh lần này tác động không nhiều đến những người đã có thẻ BHYT. Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới sáu tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% sẽ không bị ảnh hưởng.
Đối với người cận nghèo, chỉ phải đồng chi trả 5% (tỷ lệ điều chỉnh giá tăng bình quân 3,23%) cho nên mức độ tác động không đáng kể.
Riêng các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì phần đồng chi trả chỉ tăng bình quân 3,23%.
Đối với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa sáu tháng lương cơ sở. Do đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở lần này tạo điều kiện cho các trường hợp này được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cao hơn so mức giá trước đây.
Theo số liệu đánh giá của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng, việc điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng từ ngày 15-12 sẽ tác động đến CPI tháng 12-2018 tăng khoảng 0,28%. Với mức tác động này thì vẫn bảo đảm mức tăng CPI dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.
Về khả năng cân đối quỹ BHYT, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, do mức đóng BHYT đã thực hiện theo mức lương mới từ tháng 7 vừa qua, cho nên việc quỹ BHYT thanh toán giá dịch vụ y tế theo mức mới không bị ảnh hưởng.
Về tác động đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, việc điều chỉnh giá dịch vụ góp phần bảo đảm nguồn thu cho các cơ sở y tế; các bệnh viện để triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế và trả lương, thu nhập cho cán bộ.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho biết, đến nay, khoảng 85% số người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai đã có BHYT chi trả (15% còn lại do người bệnh tự chi trả), nhưng việc điều chỉnh lần này không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh cũng giảm khó khăn và Nhà nước bớt phải bù lỗ.
Trả lời băn khoăn của người bệnh về chất lượng dịch vụ y tế khi tăng giá, ông Nguyễn Ngọc Hiền khẳng định, dù tăng giá hay không tăng giá thì bệnh viện luôn cải tiến chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Hiện nay, chất lượng dịch vụ là vấn đề sống còn của các bệnh viện.
Video: Một bệnh nhân suy gan được BHYT chi trả 1,4 tỷ đồng
Bộ Y tế cũng cho biết, đối với đối tượng không thanh toán BHYT thì giá dịch vụ y tế thực hiện theo Thông tư số 37/TT-BYT. Căn cứ mức giá tối đa của thông tư này, Bộ trưởng Y tế quyết định mức giá cụ thể của các dịch vụ khám, chữa bệnh thực hiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng một thuộc các bộ, cơ quan trung ương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ khám, chữa bệnh thực hiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc địa phương quản lý.
Nhóm ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm không có thẻ BHYT, hiện chiếm khoảng 15%, do đó Bộ Y tế khuyến khích người dân tích cực tham gia BHYT để hưởng nhiều quyền lợi khi khám chữa bệnh.