NSND Diệp Lang - cây đại thụ của sân khấu cải lương - qua đời ngày 11/3 (giờ địa phương) tại San Diego, California, Mỹ.
Trong trí nhớ của nhiều khán giả ái mộ sân khấu cải lương, cái tên Diệp Lang gắn liền với vai kép lão, kép độc, những dạng nhân vật có tính cách độc đoán, chuyên quyền.
Trong đó, vai diễn hội đồng Thăng âm mưu đoạt vợ, gài bẫy thầy giáo Võ Minh Thành lưu đày ngoài Côn Đảo trong Đời cô Lựu khiến Diệp Lang bị "ghét cay ghét đắng".
Đóng vai đào thương, kép chánh đã khó, để người khác ghét khi đảm nhận vai phản diện lại càng khó hơn. Với Diệp Lang và nhiều cây đại thụ cải lương, đây là thành công của người nghệ sĩ khi thể hiện tròn trịa vai diễn trên sân khấu.
Hình ảnh quen thuộc của NSND Diệp Lang trong bộ áo dài khăn đóng.
Từ thanh niên chuyên trị vai kép lão
NSND Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn. Ông sinh năm 1941 tại Đồng Tháp. Năm 13 tuổi, Diệp Lang theo cha lên Sài Gòn, gia nhập đoàn Kim Thoa. Sau những năm bôn ba đóng vai kép phụ, đến khi tham gia đoàn cải lương Hoài Dung - Hoài Mỹ, Diệp Lang (nghệ danh đặt theo ông Ba Diệp - cha của Diệp Lang, có nghĩa là "con của ba Diệp"), ông đóng chính trong vở Chiếc nhẫn kim cương.
Tuy nhiên, chất giọng đồng, vang, đượm buồn của Diệp Lang lại không thể đọ lại những Út Trà Ôn, Thành Được, Thanh Hải... để đóng vai kép chánh. Điều đó khiến ông phải thử nghiệm dạng vai khác nếu muốn ghi dấu ấn sâu đậm của bộ môn nghệ thuật nước nhà.
Đến khi gia nhập sân khấu Kim Chưởng (một trong các đại bang cải lương trước 1975, gồm Kim Chung, Kim Chưởng, Thanh Minh Thanh Nga và Dạ Lý Hương), cố soạn giả Thu An (chồng của cố NSƯT Ngọc Hương) giao ông vai kép lão ông già 70 tuổi trong Người anh khác mẹ.
NSND Diệp Lang (trái) và NSND Bạch Tuyết trong lễ trao giải Thanh Tâm năm 1963.
Vai diễn giúp NSND Diệp Lang giành HCV giải Thanh Tâm năm 1963 (giải thưởng cải lương danh giá nhất trước 1975). Ông đoạt giải cùng năm với những cái tên sáng chói của sân khấu cải lương thời điểm đó là hoa khôi cải lương Mộng Tuyền, cải lương chi bảo Bạch Tuyết, Trương Ánh Loan, hoàng đế đĩa nhựa Tấn Tài và kép đẹp Thanh Tú. Đây cũng là năm có nhiều nghệ sĩ đoạt HCV Thanh Tâm giải triển vọng nhất.
Tại sân khấu cải lương Kim Chưởng, ông tiếp tục ghi dấu ấn với vai kép độc trong vở Hai chiều ly biệt. Ít ai biết NSND Diệp Lang từng là chồng của nghệ sĩ Phượng Liên - đào chánh nức tiếng thời đó của sân khấu Kim Chưởng. Nhưng do không cùng tiếng nói, hai người ly hôn và có mái ấm khác.
Sau khi hợp tác với hãng đĩa Việt Nam của bà Sáu Liên, NSND Diệp Lang được giao cho những vai cá tính mạnh, phần lớn là phản diện, đặc biệt là trong các vở tuồng kiếm hiệp.
Vai giáo chủ Nhượng Phong trong Kiếm sĩ Dơi (cùng Mỹ Châu, Lệ Thủy, Minh Vương, Minh Phụng), giáo chủ Thần Long giáo trong Mùa thu trên Bạch Mã Sơn (cùng Minh Cảnh, Mỹ Châu), vai tể tướng âm mưu trong Tiêu Anh Phụng loạn trào (cùng Mỹ Châu, Lệ Thủy), A Khắc Lữ thôn tín Tây Hạ trong Người tình trên chiến trận (với Mỹ Châu, Minh Vương, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ)... đều để lại dấu ấn sâu đậm.
Cú chuyển mình của Diệp Lang sau năm 1975
Sau khi miền Nam giải phóng, phần lớn nghệ sĩ từ đoàn tư nhân về công tác tại đoàn hát do Nhà nước quản lý. Khi gia nhập đoàn Sài Gòn 2, Diệp Lang và các nghệ sĩ diễn vở cách mạng đầu tiên mang tên Tìm lại cuộc đời.
Trong vai trung sĩ Tám, ngoài mặt phục vụ lính Cộng hòa, Tám âm thầm khuyên nhủ đại úy Huy Bình (NSND Thanh Tuấn thủ vai) vốn được đi học ở "Huê Kỳ" quay về với cách mạng.
Dù chỉ là vai phụ, vai trung úy Tám là mắt xích lớn của toàn bộ vở diễn, thúc đẩy diễn biến tâm lý của nhân vật Jackie Hương (Ngọc Bích đóng) để "tìm lại cuộc đời".
Khoảnh khắc trung sĩ Tám khuyên Hương tìm lại cuộc đời ở đầu vở tuồng mở ra tấn bi kịch tình yêu giữa Jackie Hương cùng Hùng (về trả thù Hương cùng chồng mới), đại úy Huy Bình và Lan (Mỹ Châu) - cô gái một lòng theo cách mạng, hội ngộ người yêu trong nhà giam với cương vị người giam giữ và kẻ bị bắt.
Theo soạn giả, nhà phê bình Nguyễn Phương, vở cải lương Tìm lại cuộc đời phần lớn do nghệ sĩ từ trước 1975 biểu diễn. Bằng tài năng diễn xuất, nhập vai thượng thừa, Diệp Lang và các nghệ sĩ đoàn Sài Gòn 2 khiến khán giả khóc cùng nhân vật, tiếp nhận văn hóa cải lương cách mạng.
Trong mắt giới nghệ sĩ cải lương miền Nam, NSND Diệp Lang là cây đại thụ của sân khấu, luôn hết mình trong từng vai diễn.
Từ việc ghi dấu ấn ở vai diễn kiếm hiệp, Diệp Lang tài tình thể hiện các vai diễn khi chuyển hướng sang đóng vai xã hội để phù hợp với thị hiếu khán giả thời đại mới.
Nếu như trước đây, Diệp Lang chuyên trị vai âm mưu thâm độc, ngoại hình sang cả, giọng nói uy lực của ông lại phù hợp lạ thường với những vai hội đồng, thống trị trong xã hội thời Pháp thuộc.
Diệp Lang khiến khán giả phẫn nộ với vai Hội đồng Dư áp bức tá điền trong Tiếng hò sông hậu, bất mãn với vai ông bố cổ hủ cả vì danh giá gia đình, không tha thứ cho con gái lầm lỡ, đẩy cô The/ Hương của Nửa đời hương phấn vào con đường đi tu.
Hay vai diễn Hương Cả trong Tô Ánh Nguyệt, vì tư tưởng đả kích Tây học khiến cô Nguyệt (Lệ Thủy) một mình sinh con. Cảnh ông Hương Cả ép con gái trao con lại cho Minh (Minh Vương) để về chịu tang mẹ khiến khán giả đau lòng.
Trong buổi chuẩn bị cho live show Kiếp cầm ca, nghệ sĩ Hồng Nga chia sẻ kỷ niệm khi sát cánh cùng NSND Diệp Lang trong vai vợ ông Hương cả ở Tô Ánh Nguyệt.
"Diễn cùng ổng (NSND Diệp Lang tức lắm). Mỗi khi tôi muốn nói, ông ấy đều nói 'Bổn phận của đàn bà là ở nhà bếp, trong nhà này bà không có quyền nói', 'đúng là cái thứ con hư tại mẹ'. Ông bỏ nhỏ hay lắm, ông khiến tôi ức mà khóc thật trên sân khấu. Gặp ở ngoài đời chắc tôi tay đôi với ổng rồi", nghệ sĩ Hồng Nga chia sẻ.
Song, vai diễn ghi dấu ấn nhất của NSND Diệp Lang là Hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu. Trong một lần phỏng vấn, Diệp Lang nói ông bị khán giả trách vì "quá ác". Đó là thành công lớn của người nghệ sĩ hết mình trong từng vai diễn.
Từ những cống hiến to lớn cho bộ môn nghệ thuật cải lương, đệ nhất kép lão Diệp Lang được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993 và NSND năm 2003.