Trong cuộc họp báo ngày 24/9 (giờ địa phương), người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc khi Moskva hoàn thành mọi mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Binh sĩ Nga mang theo hệ thống tên lửa phòng không vác vai tại vị trí chiến đấu ở Donetsk. (Ảnh: Sputnik)
Trước đó vào sáng cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nói với ABC News: "Cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev đang tiến gần hơn tới hòa bình. Chúng ta đang gần hơn với hồi kết của chiến tranh. Điều chúng ta cần là phải rất mạnh mẽ, rất mạnh mẽ".
Người phát ngôn điện Kremlin lưu ý rằng "bất kỳ cuộc chiến tranh nào, bằng cách này hay cách khác, đều kết thúc bằng hòa bình". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đối với Nga, “hoàn toàn không có giải pháp thay thế nào cho việc đạt được các mục tiêu đã đề ra” với cuộc xung đột.
“Ngay khi những mục tiêu đó đạt được, bằng cách này hay cách khác, hoạt động quân sự sẽ kết thúc”, ông Peskov nói.
Theo RT, bình luận của ông Peskov dường như ám chỉ rằng Moskva sẽ chấp nhận giải pháp quân sự hoặc ngoại giao cho cuộc xung đột leo thang từ tháng 2/2022.
Ông Zelensky chia sẻ thêm với ABC News rằng kế hoạch chiến thắng mà ông hiện đang thúc đẩy ở Mỹ "không phải là về đàm phán với Nga". Kế hoạch này nhằm mục đích "tăng cường sức mạnh cho Ukraine, cho quân đội và người dân Ukraine".
"Chỉ khi ở vị thế vững chắc, chúng ta mới có thể buộc Tổng thống Nga Putin chấm dứt chiến tranh theo cách ngoại giao", ông Zelensky nói.
Hội đồng bảo an căng thẳng
Cũng trong ngày 24/9, Tổng thống Zelensky phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nói rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine không thể được giải quyết chỉ bằng đàm phán mà buộc Moskva phải hòa bình.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Ukraine, bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 79 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 24/9. (Ảnh: Reuters)
Hơn 2 năm rưỡi xung đột, Nga kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine và đang tiến về phía đông.
Ukraine đang đối mặt với tương lai bất định. Nếu cựu Tổng thống Donald Trump chiến thắng trước Phó tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử Mỹ ngày 5/11 có thể thúc đẩy việc thiết lập lại chính sách của Washington đối với Ukraine, vốn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ về quân sự và tài chính của Mỹ.
Ông Zelensky cho biết chiến tranh sẽ kết thúc vào một ngày nào đó nhưng không phải vì "ai đó mệt mỏi vì chiến tranh" hay thông qua đàm phán với Tổng thống Nga Putin, ám chỉ đến đề xuất Ukraine nhượng lại một số lãnh thổ mà Nga chiếm giữ để giải quyết xung đột.
"Cuộc chiến này không thể được xoa dịu bằng đàm phán. Cần phải hành động", ông Zelensky nói và cảm ơn các quốc gia đã hỗ trợ Ukraine.
Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh, nếu kế hoạch của ông được phương Tây hậu thuẫn, nó sẽ có tác động lớn đến Moskva, bao gồm cả tác động tâm lý có thể buộc Tổng thống Nga Putin phải chấm dứt chiến tranh bằng biện pháp ngoại giao.
Cho đến nay, ông Zelensky vẫn nói rất ít về kế hoạch chiến thắng của mình, ngoại trừ việc kế hoạch sẽ đóng vai trò là cầu nối cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình thứ hai do Ukraine tổ chức và muốn mời Nga tham dự vào cuối năm nay.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia lên tiếng tại cuộc họp để phản đối việc hội đồng gồm 15 thành viên này tiếp đón nhà lãnh đạo Ukraine.
Các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Mỹ cũng đã tranh cãi trong cuộc họp.
"Triều Tiên và Iran không phải là những nước duy nhất hỗ trợ và tiếp tay cho Nga", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trước hội đồng. "Trung Quốc, một thành viên thường trực khác của hội đồng này, là nhà cung cấp hàng đầu các công cụ máy móc, vi điện tử và các mặt hàng khác mà Nga đang sử dụng để tái thiết, bổ sung, tăng cường năng lực quân sự của mình".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng Bắc Kinh ủng hộ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.
"Tôi muốn nói rõ rằng về vấn đề Ukraine, bất kỳ động thái nào đổ trách nhiệm cho Trung Quốc, hoặc công kích và bôi nhọ Trung Quốc đều là vô trách nhiệm và sẽ chẳng đi đến đâu cả", ông Vương tuyên bố trước hội đồng.