Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Điện hóa giao thông: Cần làm ngay, hướng tới ‘Net Zero’ năm 2050

(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng điện hóa giao thông là một trong những vấn đề cần tập trung làm ngay để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Mới đây, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) kết hợp cùng Cục Năng lượng Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch công bố phát hành Báo cáo "Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến Phát thải ròng bằng không" (EOR-NZ).

Báo cáo đánh giá Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì phát thải CO2 cần đạt đỉnh vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cần được thực hiện nhanh hơn trước đây.

Trong đó, EOR-NZ khuyến nghị lựa chọn tốt và hiệu quả nhất về chi phí là mở rộng quy mô điện mặt trời và điện gió, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, đồng thời điện hóa ngành giao thông vận tải và công nghiệp.

VinFast với hệ sinh thái xe điện là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực điện hóa giao thông tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: VinFast)

Trong khi đó, theo một số chuyên gia, để sớm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thì yếu tố điện hóa giao thông là việc cần làm ngay, bởi nó sẽ đóng góp quan trọng cho quá trình thực hiện mục tiêu này.

Theo lộ trình, đến năm 2040, Việt Nam sẽ dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh theo Quyết định 876 đã được Thủ tướng phê duyệt về "Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải".

Một nhóm nghiên cứu tại HSBC nhận định, trong tương lai, thị trường xe điện Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng với ước tính tổng doanh số bán xe máy và ô tô điện hàng năm có thể tăng từ dưới 1 triệu trong năm 2024 lên trên 2,5 triệu vào năm 2036.

Các nhà sản xuất xe điện nội địa Việt Nam sẽ gặp thách thức khi tập trung vào mảng điện hóa giao thông với các hạng mục sản xuất xe điện. Nguyên nhân là người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý sợ xe không đủ điện, lo lắng về pin và quan ngại về thiếu thốn cơ sở hạ tầng trạm sạc.

Tuy nhiên, một vài trở ngại trong quá trình phổ biến xe điện có thể được giải quyết thông qua hỗ trợ về chính sách của nhà nước. Chẳng hạn, Việt Nam đã triển khai miễn lệ phí trước bạ đối với xe điện dùng pin, giảm thuế nhập khẩu xe điện dùng pin và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư vào xe điện chạy pin.

Hay Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề xuất chính sách trợ cấp 1.000 USD cho mỗi người mua ô tô điện.

Vì thế, chìa khóa để vượt qua những rào cản phổ biến ô tô điện ở Việt Nam nằm ở đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể nâng cấp hệ sinh thái xe điện trong nước bằng cách tận dụng trữ lượng đất hiếm dồi dào. Mặc dù đất hiếm không phổ biến bằng lithium, vốn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng pin xe điện nhưng 17 nguyên tố đất hiếm này vẫn rất có ý nghĩa đối với ngành sản xuất xe điện. Đặc biệt, neodymium và samarium thường được dùng trong nam châm động cơ.

Theo tính toán của trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2020, thị trường xe điện toàn thế giới đạt mức 119 tỷ USD với 10 triệu xe đang lưu thông. Ước tính đến 2050, xe điện sẽ đạt trên 66% doanh số xe mới, chiếm 30% tổng số xe lưu hành, có thể đạt khoảng 700 triệu xe.

Song song với đó, năm 2020, tổng tiêu thụ hydrogen đạt 90 MTOE, đến năm 2030 dự báo tăng lên 200 MTEO.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh là yêu cầu thực tiễn và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hội nhập, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện.

Là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn nhất tại COP26, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030.

Tuy nhiên, áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng hướng tới xanh hóa nền kinh tế.

Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.

Thành Lâm

Tin mới