Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5/2024, chiều 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành, Chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh thành với khách mời, các chuyên gia, tập đoàn trong nước và quốc tế.
Chủ trì Đối thoại chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc đặt câu hỏi với Thủ tướng là dễ nhất. (Ảnh: BTC)
Phát biểu trước phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Việc đặt câu hỏi với Thủ tướng là dễ nhất chứ không phải là khó nhất".
Thủ tướng chia sẻ rất vui, tự hào về TP.HCM, khi Diễn đàn kinh tế thành phố tổ chức đã trở thành thường niên, quy mô năm sau luôn lớn hơn năm trước, các vần đề bàn luận sâu sắc hơn và nhận được sự quan tâm, tham gia của bạn bè, đối tác quốc tế.
"Chủ đề của Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2024 về chuyển đổi công nghiệp rất rộng nhưng mang tính thời sự, là tiềm năng khác biệt, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của TP. Do đó, Diễn đàn này rất có ý nghĩa với TP.HCM và cả nước, với cả bạn bè, đối tác quốc tế. Đây là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau; tiến tới hợp tác, cùng hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng có niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.
Tôi tin chắc sau Diễn đàn, mỗi người ra về đều có thêm 'phần quà' quý, đó là kiến thức cùng tình cảm nồng ấm của TP.HCM", Thủ tướng chia sẻ.
Phiên đối thoại chính sách cởi mở với rất nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi công nghiệp, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp tiên phong trong các lĩnh vực khoa học công nghệ đã được tư lệnh các bộ, ngành và Thủ tướng giải đáp.
Trả lời TS Trần Du Lịch về những chính sách ưu tiên để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể chuyển đổi được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết ngoài chính sách tổng thể thì đã có những nội dung cụ thể cho phát triển trong từng giai đoạn, như các kế hoạch 5 năm. Ngoài ra hàng năm có các bước đi cụ thể trong việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế.
Bên cạnh đó còn những chính sách cụ thể của từng ngành, lĩnh vực.
"Thủ tướng vừa ban hành 2 quyết định quan trọng, là: Phê duyệt Đề án chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip. Đây là 2 quyết định mang tính then chốt để chúng ta bước sang giai đoạn mới thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh", Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hiện nay và tương lai. (Ảnh: BTC)
Ông Phương cho biết, tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ trình chính sách mới được Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành, đó là Thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Một nội dung rất được quan tâm là câu chuyện chính sách thu hút các doanh nghiệp "đầu đàn" đầu tư chip, bán dẫn…Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, hiện nay, để thu hút đầu tư nước ngoài, cần phải bảo đảm các điều kiện căn bản để các nhà đầu tư có thể yên tâm đến với Việt Nam.
Đầu tiên là định hướng về phát triển phải rõ ràng, minh bạch, có kế hoạch cụ thể phát triển ngành, lĩnh vực để nhà đầu tư quan tâm. Cùng với đó là các điều kiện căn bản như đất đai, nguồn nhân lực, năng lượng…
Việc sửa đổi Luật Đất đai, phê duyệt Quy hoạch Điện VIII... đã đón nhận các thay đổi tích cực về dòng vốn đầu tư trong bối cảnh mới. Một vấn đề nổi bật là đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Đề án đào tạo 100.000 kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao trong lĩnh vực bán dẫn, AI để phục vụ định hướng thu hút đầu tư mới.
Để duy trì môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, Thủ tướng cũng đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư. Trong đó, đối tượng của quỹ hỗ trợ này là hướng tới thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp mới về chip bán dẫn, hydrogen xanh…
Liên quan đến thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long thông tin thêm, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Viễn thông sửa đổi.
Trong Luật này, lần đầu tiên Việt Nam đưa dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vào luật để quy định, quản lý, nhưng chủ yếu là để xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển, thu hút các nhà đầu tư đối với các trung tâm dữ liệu lớn, rất lớn, cần nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài tham gia.
Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư có 10 thành viên sáng lập, trong đó có Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu Công nghệ cao TP.HCM, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn CMC...(Ảnh: C4IR)
Đáng chú ý, trong Luật Viễn thông này, nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn về tỷ lệ góp vốn khi tham gia đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu và các trung tâm dữ liệu cũng không phải bị cấp phép mà theo nguyên tắc hậu kiểm, để bảo đảm các quy định.
Ngày 20/9 vừa qua, Thủ tướng cũng đã ký ban hành Chiến lược về công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Chia sẻ với các nhà đầu tư thêm về thu hút FDI, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, nguồn lực này rất quan trọng và đột phá. FDI mang lại nguồn vốn, công nghệ, quản trị, góp phần đào tạo nhân lực và thị trường.
Từ đầu năm tới nay, dù FDI toàn cầu suy giảm nhưng Việt Nam vẫn thu hút 21 tỷ USD đăng ký và giải ngân 14 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Điều này thể hiện việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam là hiệu quả.
"Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Việt Nam, vì đang xây dựng cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người và quản trị thông minh. Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Tôi tin Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hiện nay và tương lai", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay đã tham dự và cắt băng khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Đây là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, qua đó tăng cường hợp tác với các Trung tâm C4IR trên thế giới, để hỗ trợ việc đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của TP.HCM; huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới phù hợp với xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP.HCM.
Trung tâm C4IR tại TP.HCM hoạt động theo hình thức kết hợp công - tư với các doanh nghiệp lớn Việt Nam và TP.HCM tham gia sáng lập. 10 thành viên sáng lập, trong đó có Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu Công nghệ cao TP.HCM, Đại học Công nghệ Sài Gòn, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn CMC, Công ty Công nghệ viễn thông Sài Gòn, Techcombank, HDBank…
Các sáng lập viên sẽ đóng góp tài chính, nhân sự để tham gia quản trị, điều hành và tổ chức các hoạt động theo tiêu chuẩn thế giới, trước mắt mỗi năm khoảng 10 hoạt động.
Thủ tướng khẳng định việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư thể hiện vai trò tiên phong của TP.HCM, là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực. Đồng thời thể hiện khát vọng, niềm tự hào của đất nước, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, năng động sáng tạo của dân tộc Việt Nam; khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và WEF với tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện.
Thủ tướng kỳ vọng vào Trung tâm trong 20 chữ: Tiên phong, hợp tác, kết nối, số hóa, xanh hóa, thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, vì nước, vì dân.