Hai ngày sau khi đại hội cổ đông thường niên 2020 lần 2 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank không thể tổ chức do số cổ đông tham dự không đại diện đủ 51% cổ phần có quyền biểu quyết, nhà băng này đã triệu tập phiên họp thường niên lần 3.
Dời địa điểm họp cổ đông ra Hà Nội
Điểm bất ngờ là cuộc họp đại hội cổ đông thường niên lần 3 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 17/8. Trước đây, các cuộc họp đại hội cổ đông đều được Eximbank tổ chức tại TP.HCM, nơi đặt hội sở ngân hàng.
Đây sẽ là đại hội cổ đông lần thứ 6 trong hơn 1 năm qua của Eximbank. 5 lần tổ chức trước đó gồm 2 đại hội thường niên 2019, 2 đại hội thường niên 2020 và đại hội bất thường 2020 đều bất thành, minh chứng cho sự mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn của ngân hàng này.
Ngoại trừ đại hội thường niên năm 2019 lần 2 không thể tiến hành do cổ đông không thông qua quy chế đại hội, 4 cuộc họp còn lại đều không có đủ túc số cổ đông đến dự.
Chủ tịch Eximbank Yasuhiro Saitoh (trái) và quyền Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh trao đổi sau khi đại hội cổ đông lần 2 thất bại hôm 29/7. Ảnh: Việt Đức.
Theo điều lệ của Eximbank, đại hội cổ đông lần thứ 3 có thể được triệu tập trong vòng 20 ngày sau đại hội lần 2. Đại hội thường niên lần 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào số lượng cổ đông tham dự, được coi là hợp lệ và có quyền quyết định tất cả vấn đề mà đại hội lần 1 có thể phê chuẩn.
Như vậy, chắc chắn kịch bản đại hội cổ đông của Eximbank phải hoãn vì không đủ túc số cổ đông tham gia sẽ không lặp lại. Tuy nhiên, nếu cổ đông của ngân hàng này không thông qua quy chế làm việc, chương trình họp hay các tờ trình, Eximbank sẽ lại có thêm một phiên họp cổ đông thất bại.
Lãnh đạo vắng phần lớn buổi họp HĐQT
Cũng trong ngày 31/7, Eximbank công bố báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm với nội dung đáng chú ý về tỷ lệ dự họp của các thành viên HĐQT.
Trong 9 thành viên HĐQT, chỉ 6 lãnh đạo Eximbank tham dự đầy đủ 16/16 buổi họp trong nửa đầu năm. Ngược lại, ông Đặng Anh Mai vắng 14/16 buổi họp HĐQT và không ủy quyền cho thành viên khác dự họp thay. Ông Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú cùng vắng 12/16 buổi họp.
Việc các thành viên HĐQT vắng mặt tới 75-80% buổi họp và cũng không quỷ quyền tham dự cho người khác là điều hiếm thấy ở các doanh nghiệp niêm yết.
Trong 3 thành viên trên, ông Đặng Anh Mai vừa bị miễn nhiệm chức danh phó chủ tịch Eximbank ngày 25/7 theo tờ trình của Chủ tịch HĐQT Yasuhiro Saitoh. Bà Lương Thị Cẩm Tú là người từng được bầu làm chủ tịch ngân hàng vào tháng 3/2019 thay ông Lê Minh Quốc bị bãi nhiệm nhưng 2 tháng sau nghị quyết này bị chấm dứt hiệu lực.
Sự kiện bà Tú được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT cũng khởi đầu chuỗi biến động liên quan đến ghế lãnh đạo cao nhất ở nhà băng này. Sau khi ông Quốc gửi đơn kiện cho rằng nghị quyết bầu bà Tú làm chủ tịch mới không có giá trị pháp lý rồi rút đơn, chính ông từ nhiệm chức chủ tịch ngân hàng.
Ông Cao Xuân Ninh trở thành chủ tịch mới của Eximbank vào tháng 5/2019 và từ nhiệm vào tháng 6 vừa qua theo nguyện vọng cá nhân. Người thay thế ông Ninh là làm chủ tịch là ông Yasuhiro Saitoh.
Tuy nhiên, ông Saitoh lại bị cổ đông lớn SMBC (15% cổ phần) muốn bãi nhiệm khỏi HĐQT Eximbank. Đây là một trong các nội dung dự kiến trong đại hội cổ đông bất thường ngày 30/6 nhưng rốt cục cuộc họp này cũng không quy tụ đủ cổ đông đại diện 65% cổ phần có quyền biểu quyết tham gia để tiến hành.
Sau khi phiên họp thường niên lần 2 ngày 29/7 bất thành, một số cổ đông lớn tuổi của Eximbank bày tỏ sự bức xúc, cho rằng việc ngân hàng liên tiếp không tổ chức được đại hội cổ đông gây lãng phí tiền của, ảnh hưởng uy tín của HĐQT nói riêng và nhà băng này nói chung.
Chia sẻ với cổ đông, quyền Tổng giám đốc Eximbank Nguyễn Cảnh Vinh khẳng định đây là việc không ai mong muốn và HĐQT, ban điều hành ngân hàng “đang cố hết sức làm mọi thứ ổn định nhưng nhiều việc lực bất tòng tâm, cần thêm thời gian”. CEO Eximbank trấn an cổ đông các chỉ số về hoạt động, năng lực tài chính của ngân hàng vẫn ổn định.
Theo báo cáo tài chính quý II vừa công bố, lợi nhuận trước thuế của Eximbank 6 tháng đầu năm là 555 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro cao. Riêng trong quý II, lợi nhuận của Eximbank giảm tới 76%, chỉ đạt 96 tỷ.