Thời gian gần đây, dư luận bàn tán xôn xao về vụ bị cáo nhảy lầu tự tử ở tòa án Bình Phước sau khi bị tuyên án và vụ tai nạn chị chết, em đi tù sau tai nạn xe máy ở cầu Thanh Trì, Hà Nội.
Hai vụ án này đều bắt đầu từ tai nạn giao thông khiến 1 người chết. Đáng nói, bị hại trong 2 vụ án đều ngồi sau xe của bị cáo và họ đều là người thân quen.
Người chết, kẻ đi tù sau tai nạn
Vụ bị cáo Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử sau khi nghe TAND tỉnh Bình Phước tuyên án bắt nguồn từ vụ tai nạn giao thông cách đây 3 năm.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 11h ngày 15/1/2017, sau khi uống rượu ở nhà ông Phạm Văn Tuấn tại khu phố Phước An (phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), ông Lương Hữu Phước đi về nhà.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 15/1/2017. (Ảnh: Hồ sơ vụ án)
Khoảng 13h cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện thoại cho ông Phước kêu quay lại nhà ông Tuấn để đổi dép, do trước đó ông Phước đi nhầm dép của người khác.
Ông Phước quay lại nhà ông Tuấn, được ông Quý rủ đi hát karaoke. Ông Phước chở ông Quý đi đến ngã tư Sóc Miên phát hiện ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên chở ông này đi về nhà ông Quý để lấy mũ bảo hiểm.
Khi đi đến gần trước nhà ông Quý thuộc khu phố Suối Đá (phường Tân Xuân), ông Phước dừng xe lại bên lề phải theo chiều đi của mình để ông Quý xuống đi vào nhà lấy mũ bảo hiểm, nhưng ông Quý không chịu xuống xe.
Lúc này, ông Phước lái xe (không bật tín hiệu đèn xi nhan) rẽ trái đi qua đường. Khi xe của ông Phước tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều hướng ngã ba trạm điện đi ngã tư Sóc Miên thì bị xe máy do anh Lâm Tươi điều khiển đi từ hướng bên phải đâm vào. Cú tông khiến ông Phước và ông Quý bị thương. Đến ngày 17/1/2017, ông Quý qua đời.
Tại phiên sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt ông Phước 3 năm tù giam về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Ông Phước kháng cáo.
Sau đó, HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm với nhận định chưa làm rõ nhiều vấn đề, kết tội chưa có cơ sở.
Hiện trường ông Phước nhảy lầu tự tử.
Tới phiên xét xử lần 2, ông Phước tiếp tục bị toà án tuyên 3 năm tù giam, với nội dung: Qua đường không quan sát, không nhường đường xe ngược chiều gây tai nạn.
Chiều cùng ngày, sau khi nghe tòa tuyên án, ông Phước đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước tự tử.
Vụ việc lập tức gây xôn xao dư luận khi có thông tin cho rằng, trước khi tự tử, ông Phước đăng tải lên Facebook cá nhân với nội dung sẽ tìm đến cái chết do không đồng tình với bản án đã tuyên.
Tương đồng với vụ án trên, vụ tai nạn ở cầu Thanh Trì (Hà Nội) xảy ra vào khoảng 9h30 ngày 8/6/2019, chị Phạm Thị Ngân (SN 1983 ở thôn Đặng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chở chị chồng là chị Đặng Thị Lạng (SN 1966, trú cùng thôn) trên xe mô tô đi với tốc độ khoảng 35 - 40km/h trên cầu Thanh Trì theo chiều Hoàng Mai đi Gia Lâm phía bên phải giáp thành cầu.
Khi đang đi thì bị xe mô tô của anh Nguyễn Văn Định (SN 1981, ở Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội) điều khiển chạy cùng chiều vượt lên, tạt sang phải làm đầu xe mô tô do Ngân lái va vào phần pô xe mô tô của anh Định.
Chị Ngân mất lái lao vào dải phân cách mềm bên phải đường dẫn tới đổ xe, xe của anh Định cũng đổ theo. Vụ tai nạn khiến chị Lạng tử vong, anh Định và chị Ngân bị thương. Thời điểm xảy ra tai nạn, chị Ngân có đầy đủ GPLX, giấy tờ xe.
Anh Định lại có lời khai ngược lại: Khi anh đang đi trên cầu Thanh Trì thì xe máy của chị Ngân đi cùng chiều vượt lên phía bên trái. Khi xe chị Ngân vượt được khoảng 2m thì anh Định thấy xe của chị Ngân lao vào dải phân cách, đổ ra đường, rê trượt trên mặt đường rồi va vào xe của anh Định làm xe của anh Định cũng đổ theo.
Cụ Trần Thị Chãi (mẹ nạn nhân Lạng) và anh Dương Văn Vụ đều xin miễn giảm án cho chị Phạm Thị Ngân nhưng không được xem xét.
Ngày 28/4/2020, tại phiên xét xử sơ thẩm, HĐXX TAND huyện Gia Lâm cho rằng lời khai của bị cáo Ngân không có căn cứ, kết luận lỗi và nguyên nhân gây ra tai nạn đều thuộc về bị cáo Ngân và tuyên phạt 13 tháng tù giam.
Xét xử quá cứng nhắc?
Trả lời VTC News về 2 vụ án trên, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng, không có ai chở bạn bè hay người thân của mình tham gia giao thông mà mong muốn xảy ra tai nạn. Trong 2 trường hợp này, tòa án không nên xét xử quá cứng nhắc mà có thể cho 2 bị cáo được hưởng án treo là thấu tình đạt lý.
Theo luật sư Bình, căn cứ điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo thì người phạm tội được hưởng án treo khi có đủ tất cả các điều kiện sau:
"Thứ nhất, bị xử phạt tù không quá 3 năm.
Thứ hai, có nhân thân tốt.
Thứ ba, có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Thứ tư, có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
Thứ năm, xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội".
Đồng thời, người phạm tội phải không thuộc trường hợp không được hưởng án treo theo Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP.
"Trong 2 vụ án này, mức phạt tù mà 2 bị cáo bị tuyên phạt không quá 3 năm không phân biệt loại tội. Như vậy, căn cứ đầu tiên để tòa án xác định có được hưởng án treo không chính là người bị tuyên phạt tù từ 3 năm trở xuống.
Bên cạnh đó, tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 với mức thấp nhất thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm", luật sư Bình cho hay.
Vị luật sư Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, có những vụ tai nạn giao thông khiến 2-3 người chết những tòa vẫn cho người gây tai nạn được hưởng án treo còn trường hợp của ông Phước và chị Phạm Thị Ngân lại tuyên phạt án tù là chưa thấu tình đạt lý.
Video: Bị cáo nghi nhảy lầu tự tử ở tòa Bình Phước sau khi bị tuyên án