Quận Gò Vấp tăng tốc về đích sớm
Tiến độ giải ngân dự án Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TP.HCM là 1 trong những yếu tố quan trọng giúp quận cán mốc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 99%.
Đường Dương Quảng Hàm như một "đại công trình". (Ảnh: Hoàng Thọ)
Dự án mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa, quận Gò Vấp) có chiều dài gần 2,5 km, rộng 32 m, quy mô 6 làn xe, vỉa hè rộng 4,5 m cùng cây xanh, chiếu sáng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật 2 bên đường.
Dự án được khởi công từ đầu tháng 8/2023, đến nay quận Gò Vấp đang tiếp tục bàn giao mặt bằng. Dự án có 425 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 366 hộ giải tỏa một phần, 56 hộ giải tỏa toàn bộ và 3 lô cốt.
Đường Dương Quảng Hàm hiện hữu chỉ có 2 làn xe, thường xuyên ùn ứ. Vì vậy, dự án sau khi được mở rộng mặt đường sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ hiện nay.
Ông Trần Thanh Toàn (63 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết, nhà của ông thuộc diện bị giải toả trắng và được bồi thường khoảng 2,1 tỷ đồng.
"So với thị trường, giá đền bù tuy không bằng nhưng vì lợi ích chung nên chúng tôi bàn giao mặt bằng để sớm triển khai dự án", ông nói và cho biết dự tính sẽ dời qua quận 12 sinh sống.
Là hộ dân có nhà mặt tiền, bà Hoàng Thị Hoà (70 tuổi, ngụ quận) cho biết, đường Dương Quảng Hàm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, khi nhận thông tin mở rộng tuyến đường này, bà rất ủng hộ. Gia đình bà đã tháo dỡ mặt bằng, lùi 10m để mở rộng đường.
"Tôi mong dự án sớm được triển khai, mở rộng đường để giảm kẹt xe, tạo điều kiện để kinh doanh tốt hơn", bà Hoà nói.
Đường Dương Quảng Hàm hiện tại. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, Quận ủy, UBND quận xác định nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng. Quận tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, góp phần vào kết quả chung của thành phố.
Trên cơ sở dự toán được giao, quận Gò Vấp đã thành lập các Tổ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án do quận làm chủ đầu tư và các dự án trọng điểm khác đang triển khai trên địa bàn quận.
Lãnh đạo quận cũng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và 16 phường phối hợp đồng bộ với chủ đầu tư và các ngành chức năng tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Chủ động báo cáo đề xuất thành phố xem xét, điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án, công trình.
Đồng thời, quận sẽ xem xét xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị gây ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện các dự án. Định kỳ tổ chức họp giao ban các cơ quan, đơn vị, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh về giải ngân vốn đầu tư công...
"Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí xem xét đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân hàng quý, năm; xử lý nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, gây ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, trong năm 2023, địa phương đăng ký vốn đầu tư công hơn 1.650 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có thời điểm quận Gò Vấp không thể giải ngân đầu tư công mà phải chuyển nguồn vốn do vướng dự án nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm.
Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Dương Trí Dũng. (Ảnh: Website Gò Vấp)
Lý giải về số vốn không thể giải ngân mà cần điều chuyển nguồn vốn, Chủ tịch quận Gò Vấp cho rằng, ban đầu dự toán mở rộng đường Dương Quảng Hàm là 1.750 tỷ đồng.
Đến lúc thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư thì quận mới bắt đầu quy trình kiểm đếm, đo đạc. Qua rà soát, diện tích đền bù đã giảm xuống so với thực tế. Khi đó, quận đã kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận điều chuyển nguồn vốn đầu tư công còn dư từ dự án này sang dự án bồi thường rạch Xuyên Tâm.
Nhờ giải pháp trên, quận đã tăng tỷ lệ giải ngân khoảng 95% kế hoạch. Đến ngày 1/12, quận Gò Vấp giải ngân 99,88% với nhóm dự án bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đi sâu vào dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm, ông Dũng thông tin thêm, dự án gặp nhiều cái khó khi từng hộ dân có hoàn cảnh gia đình, pháp lý cũng khác nhau... nên đòi hỏi chính quyền phải xem xét thấu đáo và giải quyết hợp lý hợp tình.
"Một số hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng họ chưa đồng tình, còn nhiều tâm tư và nguyện vọng khác nhau, nhưng quận đã kiên trì vận động, thuyết phục. Hiện nhiều hộ đã nhận khoản bồi thường và một số còn lại vẫn tiếp tục đề xuất kiến nghị thì quận tổ chức vận động, giải thích cho người dân hiểu và chia sẻ", ông Dũng cho hay.
Đi cụ thể vào cách làm, ông Nguyễn Trí Dũng cho rằng, trong quá trình vận động khi còn nhiều ý kiến chưa đồng tình, lãnh đạo quận trực tiếp lắng nghe, gặp gỡ, đối thoại với người dân để ghi nhận, giải thích và tiếp tục rà soát, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, xem xét giải quyết, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Theo Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, mặt bằng đường Dương Quảng Hàm hiện chỉ tầm 6 - 8m, khi mở rộng thì người dân có cơ hội kinh doanh nên phần lớn hộ bị giải tỏa trắng muốn định cư tại chỗ.
Người dân tháo dỡ nhà, bàn giao mặt bằng cho chính quyền. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Tuy nhiên, quỹ đất để tái định cư tại chỗ không có, quận đã phối hợp với UBND TP.HCM đề xuất chuyển giao cho quận 49 nền đất mặt tiền của dự án kênh Tham Lương - Bến Cát, đối diện với khu vực phường 14, quận Gò Vấp.
“Quận đã tổ chức giới thiệu cho người dân đến tham quan, phân tích cho họ thấy sau khi về tái định cư ở khu vực mới sẽ có suất mua với giá của Nhà nước ưu đãi và tiền bồi thường có thể xây nhà, có cuộc sống tốt hơn”, ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, đa số người dân đồng tình và một vài hộ còn mong muốn trông chờ những quyền lợi tốt hơn. Tuy nhiên trong điều kiện chính sách chung và đại đa số người dân ủng hộ, quận tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục.
Người đứng đầu chính quyền quận Gò Vấp cũng thông tin, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại dự án này là một trong những yếu tố quan trọng giúp quận Gò Vấp cán mốc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 hơn 99%, trở thành địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất thành phố.
Chú trọng tuyên truyền, đa dạng hình thức
Huyện Bình Chánh cũng là địa phương được Chủ tịch TP.HCM gửi thư khen trong thực hiện phong trào thi đua 60 ngày đêm giải ngân đầu tư công.
Trong năm 2023, huyện được giao tổng số vốn gần 3 tỷ đồng, tính đến 31/12/2023, huyện đã giải ngân gần 2,6 tỷ đồng, đạt 99,48% kế hoạch vốn giao.
Theo Chủ tịch UBND huyện Huyện Bình Chánh Võ Đức Thanh, trong năm 2023, huyện được 6 đoàn kiểm tra giám sát của TP.HCM đến làm việc và đã tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của các dự án, tạo nên bức tranh đại công trường trên địa bàn huyện. Qua đó, các dự án, công trình của huyện Bình Chánh như đã cơ bản đáp ứng triển khai trong năm 2024.
Chủ tịch UBND huyện Huyện Bình Chánh Võ Đức Thanh. (Ảnh: Minh Khôi)
Để đạt được những kết quả trên, lãnh đạo huyện Bình Chánh đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn và các chủ đầu tư cam kết trước Huyện uỷ, UBND huyện. Bên cạnh đó, cũng yêu cầu cán bộ Đảng viên phải cam kết hành động, gắn kết với công việc. Đây là giải pháp mà huyện thấy hiệu quả.
Định kỳ hàng tuần, UBND huyện làm việc với các chủ đầu tư về tình hình thực hiện dự án, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Huyện tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư trên địa bàn huyện.
Đồng thời, tăng cường đối thoại với người dân, thực hiện chính sách có lợi nhất cho người dân theo quy định, tính đúng, tính đủ chi phí bồi thường, hỗ trợ theo quy định, góp phần hạn chế việc người dân khiếu nại liên quan đến chính sách bồi thường.
Về quản lý tiến độ công trình trong năm 2023, huyện đã quan tâm đến giám sát đầu tư công tác cập nhật khối lượng thực hiện, nghiệm thu, quyết toán. Những việc làm này được kiểm soát, cập nhật tiến độ hành tháng là cơ sở để kiểm tra tiến độ các dự án.
Về giải pháp bồi thường, ông Thanh cho rằng, năm 2023 sự phát huy và lan toả của các địa phương có dự án Vành đai 3. Sự thành công có sự lan toả tích cực công tác bồi thường của các địa phương.
"Vành đai 3 đi qua Bình Chánh rất dài, chính sự thành công tháo gỡ những vướng mắc khó khăn đã triển khai kịp tiến độ", ông Thanh nói.
Đặc biệt vừa qua, huyện Bình Chánh đã tổ chức thành công hội nghị chuyên đề về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư trên địa bàn. Chú trọng tuyên truyền, đa dạng hình thức (vừa tuyên truyền miệng, vừa phát thanh, vừa tuyên truyền trên mạng xã hội) về lợi ích, về chính sách của từng dự án đến với hộ dân. Đặc biệt quan tâm biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho việc triển khai các dự án.
Cụm Y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh) được kỳ vọng là chuỗi hệ thống y tế hiện đại của TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Thọ)
"Về công tác tuyên truyền, trên địa bàn huyện có 2 hộ dân thực hiện tốt và được UBND TP.HCM khen thưởng. Hai hộ dân này khi được vận động tuyên truyền, lần đầu tiên chưa lắng nghe, còn băn khoăn về giá đất…. sau đó, huyện đổi hình thức tuyên truyền khác nói về ý nghĩa của dự án.
Những hộ dân thấy được ý nghĩa của dự án, mình tham gia đóng góp thì chấp hành tốt. Chính sự chấp hành này đã góp phần cho tiến độ dự án và tuyên truyền ngược lại cho những hộ dân chưa chấp hành tốt", ông Thanh cho hay.
Bình Tân đạt giải ngân vốn đầu tư công 100%
Năm 2023, TP.HCM giao cho quận Bình Tân 4 đợt kế hoạch vốn đầu tư công cho 35 dự án, trong đó có 19 dự án trường học, 14 dự án hạ tầng giao thông, 2 dự án dân dụng. Quận đã giải ngân đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 4 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Mặt khác, Bình Tân cũng đã chủ động phối hợp trình UBND TP.HCM tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với những dự án tồn đọng kéo dài. Trong đó có các dự án như khu trung tâm dân cư Tân Tạo - Khu A, dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa, dự án bãi chôn lấp rác Gò Cát và dự án khu dân cư Vĩnh Lộc.
Quận Bình Tân nhìn từ trên cao. (Ảnh: An Khương)
Bình Tân cũng đã khởi công được 7/10 dự án trường học, với hơn 200 phòng học. Hoàn thành việc đấu thầu xây lắp đối với 3 dự án trường học, với 90 phòng học và đang thực hiện bồi thường và điều chỉnh quy hoạch đối với 2 dự án, với 42 phòng học.
Ngoài ra, quận này đang trình Sở Xây dựng TP.HCM phê duyệt dự án đầu tư 4 dự án với gần 160 phòng học và đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư đối với 7 dự án, 209 phòng học, hiện đang lập thủ tục trình Sở Xây dựng phê duyệt dự án đầu tư.
Bên cạnh giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% thì quận cũng đã tập trung chú trọng cải tạo mảng xanh công viên, tạo phấn khởi cho người dân khi chứng kiến được sự thay da đổi thịt của địa phương.
Năm 2023, TP.HCM được giao số vốn đầu tư công trên 68.000 tỷ đồng, tính đến ngày 12/1/2024, thành phố đã giải ngân được 45.866 tỷ đồng.