Sáng 17/9, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trình độ đại học đối với các ngành sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề năm 2020 đã thảo luận, phân tích dữ liệu, xác định và thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Các phương án được lựa chọn đã nhận được sự thống nhất cao của các thành viên hội đồng.
Theo đó điểm sàn từng mã ngành đào tạo như sau:
Theo GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, việc tăng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe so với năm ngoái là hợp lý, đảm bảo mặt bằng chung tuyển sinh giữa các trường đại học nhóm công lập và nhóm ngoài công lập.
Ngưỡng điểm sàn không có quá nhiều ý nghĩa với Đại học Y Hà Nội bởi năm nào điểm trúng tuyển vào trường cũng cao hơn nhiều so với mức điểm sàn, tuy nhiên với các trường khác, nhất là khối dân lập đây việc quyết định số lượng thí sinh trúng tuyển và quyết định sự phát triển của các trường.
Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cũng nhấn mạnh, đầu vào chỉ là một bước, quá trình đào tạo mới quan trọng, sản phẩm bác sỹ, nhân viên y tế sẽ do quá trình đào tạo quyết định.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh: H.C)
TS Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) nhìn nhận, quyết định của Hội đồng về mức điểm sàn khối sức khỏe là phù hợp. Mỗi nhóm tăng thêm một điểm so với năm ngoái là phù hợp với thực tế của năm nay.
Do dịch COVID-19 nên ngành giáo dục đã gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả điểm thi cao hơn so với năm ngoái và khối sức khỏe tăng một điểm là hợp lý. Với mức điểm này, những trường tốp dưới không khó khăn hay lo lắng trong tuyển sinh vì nguồn tuyển lớn.
Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cũng cho biết thêm, tới đây, các trường tốp dưới sẽ phải cố gắng vì sẽ có hệ thống thi và cấp chứng chỉ hành nghề theo năng lực. Nếu học xong không được cấp chứng chỉ sẽ không được hành nghề. “Cho nên quá trình đào tạo mới là yếu tố quan trọng và quyết định”, TS Phạm Văn Tác khẳng định.
Nhận xét về mức điểm sàn ngành sức khỏe, ông Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cho rằng, đây là mức điểm hài hòa và hợp lý. Tuy nhiên, với những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tác động đến kinh tế đất nước nói chung và của TP Đà Nẵng nói riêng, ông Cơ mong rằng, số thí sinh xét tuyển và đi học đại học sẽ đông hơn năm ngoái.
Năm 2019, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành Sức khỏe có chứng chỉ hành nghề là từ 18 đến 21 điểm. Cụ thể: ngành Y Khoa, răng hàm mặt là: 21 điểm; ngành Y học cổ truyền và ngành Dược học là: 20 điểm; nhóm ngành 2: 18 điểm.