Nhắc tới những nhan sắc nổi danh của Việt Nam những năm hậu chiến, có lẽ không ai nghi ngờ Diễm My là đại diện tiêu biểu nhất. Hình ảnh chị tràn ngập khắp các khuôn lịch, sách ảnh, tờ rơi… thậm chí trên những tờ vé số hay hộp diêm, người ta cũng thấy Diễm My xuất hiện.
Không ai biết tại sao, nhưng cũng chẳng ai thắc mắc lý do nào khiến chị phổ biến đến thế. Người ta đồng ý rằng Diễm My rất đẹp, và chấp nhận chuyện hình ảnh của chị ở khắp nơi như một lẽ đương nhiên phải vậy.
|
Diễm My 17 tuổi và chị gái 18 tuổi. Trong năm này (1979), Diễm My có vai diễn đầu tay trong phim 'Trang giấy mới' của đạo diễn Trung Dân. |
Cũng có người cho rằng Diễm My là nhan sắc sinh ra nhầm thời. Bởi trong những năm 1980, với chiều cao 1,73 mét, nét đẹp lai rất hiện tại đó dường như không phù hợp với chuẩn mực của vẻ đẹp truyền thống.
Nhưng Diễm My lại nghĩ khác, chị cho rằng chính nhờ ngoại hình có phần ‘lệch chuẩn’ với thời bấy giờ, chị mới có cơ hội tiến vào điện ảnh, và ‘phủ sóng’ hình ảnh đến rộng rãi công chúng như thế.
Diễm My – cô nữ sinh chuyên 'cúp cua' môn Toán
Năm 17 tuổi, cô nữ sinh Diễm My trường Nguyễn Bá Tòng, sau này là trường Bùi Thị Xuân, đã có một vẻ đẹp hơn người. Nhan sắc đang thì con gái của một nữ sinh dường như đã khiến cô được nhiều người chú ý, và một trong số đó là đạo diễn Lê Dân, người đang đi tìm diễn viên cho vai diễn thứ chính trong phim của mình:
‘Hồi đó tôi học ban D là ban Sinh, Hoá, Lý. Tôi học Toán không giỏi, và mỗi khi đến giờ Toán, tôi lại muốn cúp cua để đi chơi với bạn bè. Tuổi 17 vô tư lắm, vô lo, vô nghĩ, và không được kỷ luật như bây giờ. Một hôm vào giờ Toán, đang có ý định trốn học thì có cô văn thư lên nói tôi qua nhà một vị đạo diễn để xem mặt thử vai cho vai diễn sắp tới của ông.
Nghe thấy thế tôi mừng lắm bởi được nghỉ học là tôi thích lắm rồi. Tôi cùng bảy, tám bạn nữ qua nhà đạo diễn Lê Dân ở ngay cạnh trường để thử vai. Tôi vẫn nhớ đó là vai diễn một cô kỹ sư ngoài 20 tuổi, và có lẽ chính ngoại hình cao lớn của mình nên chú Lê Dân đã chọn tôi cho vai diễn này.
Cũng chỉ là vai thứ chính nên yêu cầu diễn xuất không có gì đặc biệt, chú không yêu cầu diễn gì nhiều, chỉ cần ngoại hình phù hợp là xong. Vậy là năm 1979, cô nữ sinh Diễm My đã có vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh của mình.
Thời đó đối với tôi, đóng phim là được lên màn ảnh rộng cho rất nhiều người xem. Được như cô Thẩm Thuý Hằng, được nhiều người hâm mộ, và ‘oách’ nhất là được bạn bè trong trường thán phục. Chỉ đơn giản nghĩ như vậy chứ không hề có khái niệm về diễn xuất. Lượn đi lượn lại vài vòng trước máy quay, được đi lại nói cười, được hâm mộ, có gì thích hơn điều đó với một cô học trò ngây thơ đây?’.
Diễm My đến với vai diễn đầu đời một cách quá đơn giản và ngây thơ như vậy, để rồi sau khi lên phim, chị lại quay lại với trường lớp, với sách vở và thi cử như bình thường. Một lần làm diễn viên là quá đủ, và cuộc sống cứ thế phải tiếp diễn, chẳng đam mê, chẳng mơ ước cũng chẳng chờ đợi những vai diễn tiếp theo. Diễm My quay lại là mình với chiếc áo dài trắng đến trường hằng ngày.
|
Năm Diễm My 17 tuổi, phong trào chụp ảnh nghệ thuật nở rộ, chị cũng đi chụp ảnh chân dung, lưu giữ khoảnh khắc kỷ niệm tuổi thiếu nữ. |
Trưởng thành từ một bài báo chê thậm tệ
Tưởng chừng cái duyên với điện ảnh chỉ có vậy thì bốn năm sau, chị lại được chính đạo diễn Lê Dân, người đã đem đến cơ hội đầu tiên cho chị về điện ảnh mời vào vai chính trong phim
Tiếng sóng:
‘Nhận lời vai diễn thứ hai trong đời, lại là một vai chính, tôi chỉ nghĩ lần trước mình xuất hiện ít thì lần này sẽ ở trên màn hình từ đầu đến cuối phim. Tôi thủ vai một cô giáo thành thị tình nguyện lên vùng cao dạy chữ cho trẻ em nghèo.
Vẫn với cách nghĩ đơn giản về nghệ thuật thứ bảy, tôi diễn đơn giản như cách mình suy nghĩ, và kết quả để lại một vai diễn… không có gì để nhớ. Chính tôi khi ngồi dưới xem mình trên màn ảnh với tư cách là một khán giả, tôi cũng không thể chấp nhận được mình, sao giống bình hoa di động đến như thế?
Ngoài đẹp, tôi chẳng có gì khác nữa. Khi phim ra mắt, rất nhiều bài báo đã phê bình dữ dội vai diễn của tôi. Trong đó tôi vẫn nhớ bài báo ‘Tiếng sóng mà không có sóng’ của chị Cát Vũ đã chê tôi thậm tệ từ đầu đến cuối. Đọc xong buồn lắm, không phải vì bị chê mà bởi chị Cát Vũ nói đúng quá.
Có những bài báo thông cảm bởi cái không chuyên nghiệp của mình vì mình đẹp, nhưng chỉ có bài của chị Cát Vũ làm tôi phải suy nghĩ lại về con đường điện ảnh của tôi. Đã bao giờ tôi hết mình với điện ảnh chưa? Đã bao giờ tôi trau dồi kiến thức, nghiêm túc với con đường mình đang đi chưa? Rất tiếc là chưa, và chính chị Vũ đã cho tôi bài học đầu tiên trong việc làm nghề’.
Tự nhận mình chẳng có gì ngoài vẻ đẹp: không có đam mê, không kiến thức, không trau dồi, cũng chẳng nghiêm túc, Diễn My đến với điện ảnh là may mắn được lọt vào ‘mắt xanh’ của đạo diễn Lê Dân. Chị diễn nhưng không thể lột tả hết tâm trạng nhân vật.
|
Năm 1972, Diễm My (thứ hai từ trái qua) cùng chị gái, em trai và cậu em họ (áo kẻ) được mẹ đưa đi chơi sở thú (nay là Thảo Cầm Viên ở TP HCM) chơi Tết. |
Điều đó cũng đúng thôi, bởi mặc dù ba mất sớm từ năm chị bốn tuổi, nhưng người mẹ tần tảo đã một tay nuôi dạy các con, và quán xuyến mọi thứ trong gia đình đảm đang đến độ Diễm My không phải làm gì ngoài việc phụ giúp nấu nướng lặt vặt trong gia đình:
‘Gia đình không nghèo khổ đến mức buôn gánh bán bưng, bản thân tôi được sống đầy đủ từ bé, cũng vô tư hồn nhiên, chưa bao giờ trải qua những chuyện đau khổ để lấy cảm xúc cho vai diễn của mình thì làm sao có thể tròn vai được?
Nhưng mình không thể lấy lý do đó để giải thích cho việc mình làm dở. Cũng không thể thanh minh cho việc mình đã làm hỏng cả bộ phim của chú Lê Dân. Tôi áy náy lắm, nhưng chú Lê Dân vẫn động viên tôi cố gắng, và chính nhờ những điều đó, tôi mới nhận ra mình phải thay đổi cách nghĩ của mình nếu còn muốn đi tiếp với nghệ thuật điện ảnh'.
Xác định nghiêm túc làm việc, nhưng qua hai vai diễn ‘để đời’ của mình, Diễm My không thấy cơ hội nào đến với mình nữa. Mọi chuyện có vẻ dừng lại ở đó, chị cho rằng cái duyên của mình đã hết, cũng không trách tại sao mình có ngoại hình nhưng lại không được lựa chọn. Chị biết mình ở đâu, biết mình có cái gì, và biết mình phải làm gì nếu nhận được những vai diễn tiếp theo.
|
Diễm My 16 tuổi (ngồi thứ hai từ trái qua), đang học lớp 11, tới dự sinh nhật một người bạn thân. |
Vai diễn không thấy, các đạo diễn im lìm, Diễm My buồn bã nghĩ rằng cơ hội với nghệ thuật của mình đã hết. Cho đến ngày chị gặp nhiếp ảnh gia Nguyễn Kỳ, và con đường nghệ thuật của chị rẽ hoàn toàn sang một hướng khác mà chị chẳng bao giờ ngờ tới…
(còn tiếp) Long Chu