GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, điểm chuẩn các ngành khối C00 năm nay sẽ tăng mạnh. Trên thực tế Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh đề thi tốt nghiệp THPT 2022 để tránh mưa điểm 10, sẽ khó có chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học như năm ngoái. Nhưng nhìn vào những con số thống kê cụ thể, điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn cao.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2022.
Cụ thể, môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên là 414.969/981.407 (chiếm 42,28%, trong khi tỷ lệ này năm ngoái là 41,7%). Bên cạnh đó, Văn cũng là môn có độ lệch giữa điểm học bạ so với kết quả THPT lớn nhất.
Môn Lịch sử, năm 2021 chỉ 266 điểm 10 và số điểm 8 trở lên là 5,44%, thì năm nay 1.779 điểm 10 và tỷ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên là 119.601/659.667, đạt 18,1%.
Môn Giáo dục Công dân, số bài đạt điểm 8 trở lên đạt 61,85%, năm ngoái là 71,5%.
"Với phổ điểm tỷ lệ giỏi cao như vậy của kỳ thi THPT 2022, có thể hiểu tại sao ngày càng nhiều trường đại học, nhất là các trường lớn, uy tín, phải tổ chức các kỳ thi riêng, kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) để tuyển chọn thí sinh có chất lượng tốt cho mình", GS Đức nói thêm.
Theo phân tích của TS Phạm Thanh Hà, với khối C, khoảng điểm 15 - 30 năm nay có 586.432 lượt thí sinh, tăng khá nhiều so với năm 2021 (522.318 lượt) và năm 2020 (479.892 lượt). So sánh sơ đồ phổ điểm 3 năm cho thấy, đường đồ thị tổ hợp khối C năm 2022 nằm phía trên rất xa so với năm 2021 và 2020. Vì vậy, điểm chuẩn khối C có thể tăng mạnh so với năm 2021.
TS Hà cũng phân tích, càng lên cao, khoảng cách số lượng thí sinh của năm nay so với năm ngoái càng cách biệt. Từ mốc 17,25 điểm trở lên mốc 20 điểm (mỗi mốc cách nhau 0,25 điểm) đều có lượt thí sinh lớn hơn cùng mốc điểm năm ngoái là cả trăm ngàn. Với các mốc điểm cao hơn, số thí sinh đạt được từng mốc điểm cả 2 năm ít đi, số lượng cách biệt giữa 2 năm không lớn, nhưng tỉ lệ cách biệt lại tăng.
Phổ điểm 3 năm 2020, 2021 và 2022 của tổ hợp khối C.
Ông dẫn chứng, ở mốc điểm 20 năm nay có 310.501 thí sinh, năm ngoái 213.528, hơn nhau gần 97.000, tăng khoảng 45%. Trong khi đó, ở mốc điểm 24 năm nay (68.999) chỉ hơn năm ngoái (40.227) 28.772 thí sinh, nhưng tỉ lệ tăng là 72%. Cũng từ điểm 24 trở lên, ở mốc điểm nào số lượng thí sinh đạt được năm nay cũng đều tăng 70 - 80% so với năm ngoái. Thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên nhiều gấp đôi năm ngoái, gần gấp 3 năm kia.
"Càng lên cao, cuộc cạnh tranh của những thí sinh khối C năm nay càng khốc liệt. Mốc 28 điểm năm nay có 1.156 thí sinh, năm ngoái là 476, năm kia chỉ 332. Mốc 29 điểm, năm nay 54 thí sinh, năm ngoái 12, năm kia 9. Đây là dấu hiệu cho thấy với những thí sinh 28 - 29 điểm khối C mà không có bất kỳ điểm ưu tiên nào thì việc trượt nguyện vọng 1 các ngành hot (với lượng chỉ tiêu rất ít ỏi) gần như hiển nhiên" - TS Hà phân tích.
Đồng quan điểm, đại diện Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự đoán, điểm chuẩn các ngành, các trường đào tạo khối ngành Khoa học Xã hội năm nay tăng mạnh từ 0,5 đến 2 điểm.
Vị này lấy ví dụ ở ngưỡng điểm 20, năm nay 310.501 thí sinh, năm ngoái 213.528, hơn nhau gần 97.000, tăng khoảng 45%. Hay ở ngưỡng điểm từ 19 điểm trở lên, năm nay có 381.483 thí sinh, cao hơn năm ngoái gần 103.000 em.
Ngưỡng điểm từ 21 điểm trở lên, số thí sinh năm nay gấp 1,5 lần so với năm ngoái và tăng gấp 1,9 năm 2021 (tăng 90%). Ngưỡng điểm 24, năm nay tăng là 72% so với năm ngoái, tăng 139%. Tương tự, mốc 25 điểm tăng 74% so với năm ngoái, tăng 147% so với năm kia.
Đặc biệt ở ngưỡng điểm vào các ngành top đầu như Báo chí, Luật - từ 28 điểm trở lên, năm nay 1.156 thí sinh, năm ngoái là 476, năm 2020 chỉ 332. Mốc 29 điểm, năm nay có 54 thí sinh, năm ngoái 12, năm 2021 chỉ 9 thí sinh.
"Số bài thi tổ hợp C00 đạt điểm cao tăng mạnh so với năm ngoái, đủ căn cứ để co rằng điểm khối này sẽ tăng mạnh, đặc biệt như những trường top đầu như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Luật Hà Nội, Báo chí, Công an, Quân đội...", vị này đưa ra dự đoán.
Đặt nguyện vọng thế nào?
PGS.TS Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông, Đại học Thương mại lưu ý, thí sinh phải cần bình tĩnh phân tích, đánh giá và lựa chọn ngành. Theo đó, thí sinh cần xem xét điểm trúng tuyển của các trường những năm gần nhất. Từ sự đối chiếu và so sánh trên sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các nguyện vọng theo nguyên tắc "yêu thích nhất ở đầu, an toàn nhất ở cuối".
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT lưu ý, thí sinh phải rà soát việc khai báo đầy đủ và bảo đảm tính chính xác của tất cả các thông tin đăng ký dự tuyển, đặc biệt là thông tin về khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có).
Thí sinh lưu ý, phải đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển của mình trên hệ thống xét tuyển của Bộ GDĐT, theo thứ tự ưu tiên. Và sau khi hệ thống lọc ảo, thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.
"Cho dù là nguyện vọng thứ 10 mới đủ điều kiện đỗ thì thí sinh vẫn được xác nhận trúng tuyển nếu 9 nguyện vọng xếp trước thí sinh không đủ điều kiện đỗ", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.