Những ngày cận Tết là thời điểm các loại dịch vụ tăng giá chóng mặt, trong đó rửa xe có mức tăng trung bình 100-300%.
Những trung tâm rửa và chăm sóc xe ôtô chuyên nghiệp luôn tấp nập khách bất chấp giá cả tăng cao. Nhiều cửa hàng treo băng rôn khổ lớn để thông báo giá tăng theo từng ngày với khách hàng. Cách làm này được đánh giá là chuyên nghiệp bởi các cửa hàng dịch vụ rửa xe thường không công khai giá.
Giá rửa xe tăng lên khiến nhiều người giật mình. "Tôi vẫn rửa chỗ quen cả năm nay giá 50 nghìn đồng, nhưng ngày 24 tháng Chạp vừa qua ông chủ thu 100 nghìn. Định dọn thêm nội thất xe nhưng thấy tăng từ 500 nghìn lên một triệu thì mình đành cáo lỗi quay đầu", một vị khách cho biết. Nhiều nơi chỉ thông báo bằng miệng về việc tăng giá chứ không dán thông báo niêm yết cho khách hàng biết.
Giải thích về việc này, một chủ cửa hàng rửa xe trên phố Liên Trì cho biết: "Giá cả tăng gấp đôi so với ngày thường, từ 50 ngàn lên 100 ngàn kể cả tối 30. Khách đến rửa xe chủ yếu là khách quen, giá cả thời điểm cận tết có tăng nhẹ một chút như hàng năm nên khi thu tiền khách cũng hiểu".
Thời điểm này, mỗi cửa hàng có 6 nhân viên, có thể rửa được từ 50 đến 70 xe ôtô và gần 40 xe máy. Chi phí vệ sinh trọn gói một xe ôtô từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng. "Cửa hàng của chúng tôi làm việc tới tối 30 mới nghỉ, mọi nhu cầu làm sạch xe sẽ được phục vụ đến giờ chót trước giao thừa", anh Hùng – một chủ cửa hàng ở phố Liên Trì (Hoàn Kiếm) cho biết.
"Ngày thường trả lương nhân viên từ 100-150 nghìn/người/ngày. Cận tết phải thuê thêm người, lương tăng 2-3 lần cả nuôi ăn. Ngày 29, 30 là những ngày nghỉ, người lao động làm thêm còn được trả 300% lương nên chúng tôi tăng giá dịch vụ là điều tất yếu", một chủ cửa hàng giải thích.
Những cửa hàng sửa chữa xe máy cũng tập trung cho việc rửa xe mà không nhận khách sửa xe. Xe máy xếp hàng chờ rửa dù giá tăng cao.
Video: Khi tài xế "sạch sẽ nhất quả đất" rửa xe