Tính từ đầu năm đến ngày 19/6, 20 tỉnh khu vực phía Nam có 55.863 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 117% so với cùng kỳ năm 2021).
Số ca sốt xuất huyết tăng cao
Đang chăm sóc con trai gần một tuổi nằm điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng (TP Cần Thơ), chị N.T.D. cho biết ban đầu khi con trai bị sốt, chị cho rằng con bị viêm amidan nên mua thuốc về cho bé uống nhưng không hết. Đến khi chị D. đưa con đến bệnh viện thử máu mới biết bị sốt xuất huyết.
Bác sĩ Ông Huy Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, dịch sốt xuất huyết năm nay cao hơn mọi năm. Số bệnh nhi bị sốt xuất huyết đang tăng lên từng ngày.
Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ phải kê thêm giường ngoài hành lang cho bệnh nhân nằm.
Ngày 24/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin, trong tuần vừa qua, TP.HCM ghi nhận có 2.181 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 1.182 ca nội trú và 999 ca ngoại trú), tăng 38,5% so với trung bình 4 tuần trước.
Trong tuần, TP.HCM cũng ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. nâng tổng số ca sốt xuất huyết tử vong từ đầu năm đến nay lên 9 ca (2 ca ở quận Bình Chánh, 3 ca ở huyện Củ Chi, 1 ở quận Bình Tân, 1 ca ở quận 11, 1 ca ở huyện Hóc Môn và 1 ca ở TP Thủ Đức).
Báo cáo nhanh từ 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết của TP.HCM, các ca bệnh nhập viện điều trị đang gia tăng. Trong đó, 50% số bệnh nhân nặng là do các bệnh viện tỉnh chuyển đến do quá khả năng điều trị. Một số trường hợp bệnh nhân nặng phải thở máy.
Sở Y Tế TP.HCM khuyến cáo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn các trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Tại An Giang dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết nhưng số ca bệnh ở địa phương này đang ở mức đáng báo động khi dịch xuất hiện ở 11 huyện, thành phố của tỉnh.
Tính riêng từ 6/6 đến 12/6, số ca sốt xuất huyết ghi nhận ở An Giang lên đến 542 ca, nâng tổng số ca bệnh tính từ đầu năm lên 5.050 ca. So với cùng kỳ năm 2021, số ca sốt xuất huyết ghi nhận tại An Giang tăng đến 399%.
Còn tại Sóc Trăng, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành y tế tỉnh này ghi nhận 325 ca sốt xuất huyết (tăng 116% so với cùng kỳ).
Đồng Tháp triển khai chiến dịch diệt lăng quăng
Đồng Tháp là 1 trong 8 tỉnh có số ca mắc sốt xuất huyết cao trong khu vực phía Nam.
Tính đến ngày 19/6, số ca mắc cộng dồn trên địa bàn tỉnh là 2.977 ca, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, có 2 trường hợp tại Đồng Tháp chết vì sốt xuất huyết.
Hai địa phương có số ca mắc cao là huyện Hồng Ngự (517 ca) và TP Hồng Ngự (416 ca) đã được ngành y tế thực hiện 3 đợt phun hóa chất diện rộng. Dịch cũng có xu hướng tăng cao ở TP Cao Lãnh, huyện Thanh Bình, huyện Lấp Vò và Lai Vung.
CDC Đồng Tháp dự báo, tình hình mắc sốt xuất huyết trong các tuần kế tiếp sẽ tiếp tục tăng cao do vào cao điểm mùa mưa.
Trước tình hình đó, sáng 24/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Y tế, các cơ quan truyền thông và địa phương để chuẩn bị chiến dịch diệt lăng quăng, phòng, chống sốt xuất huyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu (ở giữa) kiểm tra các dụng cụ chứa nước tại nhà người dân ở huyện Hồng Ngự.
“Tỉnh mở 2 chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng tập trung vào đầu tuần tới và liên tục trong 2 tuần có giám sát đánh giá xem muỗi và dụng cụ chứa nước có lăng quăng trong cộng đồng giảm như thế nào”, ông Đoàn Tấn Bửu thông tin.
Bên cạnh đó, tại các ấp ở Đồng Tháp cũng thành lập các đội hình (trong đó có 2 nhân viên y tế), trực tiếp đến nhà người dân, đặc biệt là những hộ có nguy cơ cao để hỗ trợ, hướng dẫn cách diệt muỗi và lăng quăng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, Sốt xuất huyết Dengue (SXH-D) là bệnh nhiễm cấp tính do virus Dengue. Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm và gia tăng vào mùa mưa. Bệnh xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi vằn (Aedes aegypti & albopictus).
Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, hoạt động mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20 độ C.
Sốt xuất huyết là bệnh có thể phòng ngừa. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt.