Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dịch COVID-19, mua sắm online chưa thể ‘soán ngôi’ bán hàng trực tiếp

(VTC News) -

Trở lại cuộc sống bình thường mới, sức sống của những cửa hàng trực tiếp với thế mạnh riêng vốn có, chưa thể thay thế bởi bất cứ hình thức mua bán nào khác…

Nếu như giai đoạn dịch chứng kiến sự “bùng nổ” của kênh trực tuyến (online) thì hậu dịch, sự “thèm khát” được trải nghiệm mua sắm trực tiếp (offline) sau thời gian bị “đè nén” lại lên ngôi, tạo động lực tăng trưởng mới cho thị trường.

Bán hàng trực tiếp có những lợi thế riêng và không hề “lép vế” trước làn sóng thương mại điện tử.

 

Trải nghiệm “thực”, dịch vụ “thực” vẫn là ưu tiên hàng đầu

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), số người chọn hình thức mua sắm trực tuyến tăng nhanh trong nửa đầu năm 2021 do các hoạt động giãn cách và hạn chế tiếp xúc trong dịch.

Tuy nhiên, có một thực tế được giới chuyên gia và cả người tiêu dùng không thể phủ nhận, các kênh bán hàng trực tuyến dù có nhiều ưu thế nhưng vẫn không thể thay thế thói quen mua sắm trực tiếp của người tiêu dùng. 

Với những ưu thế nổi trội từ trải nghiệm sản phẩm “thực”, dịch vụ “thực” đến chủ động thời gian mua, nhận hàng, mua sắm truyền thống vẫn luôn được người tiêu dùng ưu tiên tiếp cận. 

Tháng 12 năm 2019 ngay trước khi làn sóng COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, AEON MALL khai trương Trung tâm thương mại (TTTM) mới tại Hà Đông - Hà Nội. Đúng một năm sau, AEON MALL Hải Phòng Lê Chân chính thức mở cửa đón khách vào tháng 12/2020.

Bất chấp “bóng đen” Covid-19 và sự bùng nổ của làn sóng online, các động thái của nhà phát triển và vận hành TTTM này cho thấy họ sẽ tiếp tục mở rộng quy mô tại thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.

Một đại gia bán lẻ thời trang khác là Uniqlo cũng nhanh chân không kém. Tháng 3/2020, Vincom Center Phạm Ngọc Thạch chứng kiến sức nóng của dòng người xếp hàng mua sắm khi cửa hàng Uniqlo đầu tiên mở tại Hà Nội. Chỉ 5 tháng sau, đại gia này nhanh chóng có cửa hàng tiếp theo tại Vincom Center Metropolis.

Đó chỉ là một số trong danh sách ngày một nối dài của rất nhiều thương hiệu đang “tấn công” thị trường bán lẻ Việt mạnh mẽ như Pandora, Fila, Weekend Max Mara,... Trong đó, nhiều “ông lớn” thậm chí thử sức tại các mặt bằng ngoài khu vực trung tâm như H&M, Mango, Fila, Haidilao mở cửa hàng tại Vincom Mega Mall Ocean Park; hay Uniqlo tại Vincom Plaza Phan Văn Trị.

Như vậy, có thể thấy, các thương hiệu lớn đều đặt niềm tin vào cửa hàng truyền thống trong khi online mới là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao thời gian qua. 

Lý giải về điều này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, xu hướng nở rộ của online là không sai nhưng cách mua sắm này cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết.

“Mua hàng online thiếu đi một trải nghiệm quan trọng nhất trong mua sắm, đó là được cầm, nắm, được thử tận tay một sản phẩm, được tư vấn để chọn sản phẩm phù hợp, ưng ý nhất”, vị chuyên gia nói.

Đó là lí do vì sao ngay cả những ông trùm mảng bán lẻ trực tuyến như Amazon vẫn phải chi cả tỷ USD để mua lại mua chuỗi bán lẻ WholeFood. Apple ngày càng có nhiều cửa hãng vật lí mở ra khắp nơi trên thế giới. Hay như Tesla một thời từng tuyên bố chỉ bán online nhưng sau cùng vẫn phải bổ sung những showroom đời thực.

Quan trọng hơn, theo vị chuyên gia, mua sắm tại các cửa hàng thực thể không chỉ thỏa mãn nhu cầu tiêu tiền của nhiều người mà còn là cách để người dùng hưởng cảm giác giao tiếp, được trải nghiệm “đi chơi” - điều mua sắm online không thể có.

Khách hàng ưu tiên trải nghiệm dịch vụ và mua sắm trực tiếp tại Trung tâm thương mại.

Kỳ vọng mới từ “cuộc đua” trung tâm thương mại 

Từ những cuộc mua sắm “dồn nén” thời kỳ hậu giãn cách, dễ nhận thấy xu hướng mua sắm mới mà người tiêu dùng đang theo đuổi. 

Các khách hàng thế hệ “bình thường mới” đang có xu hướng hạn chế di chuyển tới nhiều địa điểm công cộng, mà lựa chọn các điểm đến đáp ứng được đa dạng nhu cầu, tiện nghi và an toàn. Việc tích hợp tất cả các nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí tại một điểm đã giúp các TTTM “all-in-one” giữ vững vị thế là điểm đến hàng đầu của khách hàng ở mọi thời điểm.

12h trưa Chủ nhật, cả gia đình chị Nông Phương Thảo (Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cùng ăn uống tại một nhà hàng sau vài giờ mua sắm và vui chơi tại AEON MALL Hà Đông. 

Chị Thảo chia sẻ, đi TTTM vào cuối tuần là thói quen từ lâu của cả nhà. Dù cuộc sống bận rộn, chị vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để bố mẹ và các con kết nối với nhau nhiều hơn, cùng vui chơi, mua sắm và giải trí. 

“Đến đây, bọn trẻ có chỗ chơi, bố mẹ thì có thể lựa chọn đủ các loại hàng hóa. Hơn nữa ở đây không gian thoáng rộng và công tác phòng dịch rất tốt nên mình cảm thấy yên tâm”, chị Thảo nói thêm.

Đánh giá về hoạt động của thị trường bán lẻ và TTTM dưới ảnh hưởng của thương mại điện tử và dịch bệnh Covid-19, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội nhận định, với lĩnh vực mỹ phẩm, các thương hiệu lớn vẫn cần các cửa hàng vật lý để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, và cung cấp trải nghiệm dùng thử sản phẩm của khách hàng. 

Với lĩnh vực thời trang, các nhãn hàng vẫn chuộng mô hình cửa hàng truyền thống. Hay như lĩnh vực F&B, người Việt có nhu cầu đến nhà hàng cao hơn so với đặt hàng mang về do ưa thích trải nghiệm không gian ăn uống và cảm giác được phục vụ. Xu hướng này cũng diễn ra tương tự với nhiều lĩnh vực khác.

 “Nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ trong giai đoạn quý 4/2021 đến quý 2/2022 sẽ tập trung ở các phân khúc trung và cao cấp. Trung tâm thương mại và khối đế chung cư sẽ được chuộng hơn so với nhà phố do tiện ích của tổng khu mang lại, bà Minh nói thêm.

Phân tích về tầm nhìn, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, các nhà bán lẻ đang đặt nhiều niềm tin vào người tiêu dùng Việt nhờ các chỉ số vĩ mô tích cực như GDP tăng, tốc độ đô thị hóa cao, dân số trẻ, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao.

Đại diện Savills cũng bày tỏ niềm tin về sự nóng lên của thị trường ngay trong những tháng cuối năm bởi đây là thời điểm lễ hội vốn có nhu cầu mua sắm cao.

Ngoài ra, với điều kiện tiêm chủng phủ rộng và chính sách sống “chung với dịch” đã được xác định, việc chi tiêu của người dân theo dự đoán sẽ quay trở lại mạnh mẽ, bù cho nhu cầu mua sắm bị dồn nén trong thời gian trước đó.

Điều này cho thấy mua sắm online vẫn không thể thay thế hoàn toàn hình thức bán hàng trực tiếp. Bởi người tiêu dùng - khách hàng sẽ không chỉ gắn với 1,2 sản phẩm ngay lúc này mà 5-10 năm nữa, họ có còn trung thành với thương hiệu đó nữa hay không, đó là một câu hỏi.  

Do đó, trung tâm thương mại và mua sắm trực tiếp sẽ có cơ hội chuyển mình trước thử thách này, tích cực mang đến ngày càng nhiều trải nghiệm thật, ứng dụng công nghệ, AI (trí tuệ nhân tạo) phục vụ người tiêu dùng… 

Các chuyên gia cũng tin rằng tương lai vị thế dẫn đầu ngành bán lẻ sẽ thuộc về những tổ chức có tầm nhìn, khả năng đột phá thay đổi tư duy cũ và thúc đẩy thiết kế môi trường trải nghiệm hướng đến khách hàng.

Huyền Thương

Tin mới