Dipali Roy không có gì để ăn. Cô và chồng Pradip Roy đều là công nhân tại Dhaka (Bangladesh) và dịch COVID-19 bùng phát vào mùa Xuân năm ngoái khiến nhà máy dệt may nơi họ làm việc sa thải nhiều lao động.
Một người đàn ông thất nghiệp nằm trên đường phố ở Los Angeles (Mỹ). (Ảnh: AP)
Kênh CNN (Mỹ) cho biết, như hàng triệu người khác trên khắp thế giới, cả Dipali cùng chồng đã thất nghiệp. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính trên toàn cầu có khoảng 97 triệu người rơi vào cảnh nghèo khó vì dịch COVID-19 trong năm 2020 và chỉ sống với số tiền chưa đầy 2 USD/ngày.
Từ đó đến nay, tình hình không được cải thiện. Các nhà kinh tế học tại WB kết luận: “Trên toàn cầu, tình trạng nghèo đói gia tăng xảy ra năm 2020 do dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn và năm 2021 tiếp tục có 97 triệu người nghèo".
Dipali cùng chồng rời thủ đô Dhaka về ngôi làng ở miền Bắc Bangladesh. Họ tìm nghề mới, nhưng gặp khó khăn trong thích nghi. Muốn làm nông, anh Pradip Roy tìm đến một số nông dân, nhưng họ từ chối vì cho rằng anh là người thành phố, không thể làm việc trong tình trạng thời tiết khắc nghiệt.
Dipali đang mang thai, nhưng đôi khi chỉ có một bữa ăn mỗi ngày. Cô bộc bạch, không biết phải làm gì và chỉ ngồi chờ đợi.
Dipali cùng chồng đã rời Dhaka về làng sau khi thất nghiệp. (Ảnh: CNN)
Năm 2020 dẫn đến bước lùi lịch sử trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu khi số người nghèo nhất thế giới đã lần đầu tiên tăng trong 2 thập niên qua. Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia đánh giá điều đầu tiên cần tập trung là tiêm vaccine phòng COVID-19.
Bà Carolina Sánchez-Páramo, Giám đốc về vấn đề nghèo đói và công bằng toàn cầu tại WB nêu rõ: “Chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả mọi người được tiếp cận với vaccine hoặc phương pháp điều trị COVID-19, bởi rất khó để nghĩ đến hồi phục kinh tế khi chưa kiểm soát được vấn đề y tế”.
Bà Sánchez-Páramo cũng nhận định rằng, khi các chính phủ bước vào tái thiết kinh tế, họ cần tập trung vào những hành động giúp tạo thêm việc làm. Trong 2 năm qua, chính phủ nhiều quốc gia đã ban hành các gói kích thích để thúc đẩy hồi phục kinh tế sau dịch COVID-19. Bà Sánchez-Páramo bổ sung: “Các chính phủ nên chờ đợi cho đến khi thị trường việc làm hồi phục rồi mới rút hỗ trợ cho những gia đình chịu tác động”.
Quay trở lại Bangladesh, gia đình của Dipali đã có tia hy vọng khi họ nhận được khoản vay 466 USD và mua một chiếc xe tải nhỏ và một con dê. Anh Pradip dùng xe tải nhỏ chở khách và kiếm được 6 USD/ngày. Pradip chia sẻ gia đình anh sẽ tiết kiệm để mua một con bò và đất làm nông.
Dipali cũng gửi gắm đến cộng đồng quốc tế: “Còn rất nhiều người như chúng tôi, những người đã rơi xuống đáy. Vì vậy nếu bạn sát cánh bên họ thì họ sẽ tự đứng dậy được như chúng tôi một cách chậm rãi”.