Theo Bộ Y tế, thời điểm này, số ca mắc COVID-19 trên cả nước giảm mạnh. Cụ thể, ngày 20/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 521 ca nhiễm mới đều ở trong nước, giảm 13 ca so với ngày trước đó) tại 42 tỉnh, thành phố (có 432 ca trong cộng đồng). Đây là con số mắc mới trong ngày thấp nhất trong gần 1 năm qua. Bên cạnh đó, số ca bệnh nặng cũng rất ít, chỉ còn 36 bệnh nhân đang thở oxy.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia y tế cho rằng, Việt Nam đã đạt được miễn dịch cộng đồng, do tỷ lệ bao phủ vaccine cao, lượng người từng mắc bệnh lớn. Tuy nhiên, nhiều người dân thấy dịch đã ổn, bản thân đã có miễn dịch nên ngại tiêm mũi nhắc lại (mũi 3 hoặc 4). Điều này dẫn đến tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương còn chậm, một số nơi từ chối nhận hoặc đề nghị trả lại vaccine đã được phân bổ trước đó.
Các chuyên gia y tế cho rằng, thời điểm này, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả COVID-19 nhưng vẫn cần tiêm vaccine nhắc lại để hạn chế các ca mắc mới hoặc tái nhiễm, tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng. (Ảnh minh họa)
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, thời điểm này, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả COVID-19 nhưng vẫn cần tiêm vaccine nhắc lại để hạn chế các ca mắc mới hoặc tái nhiễm, tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng.
Theo ông Trần Đắc Phu, vaccine phòng COVID-19 khác với một số vaccine như vaccine đậu mùa, sởi, bại liệt có miễn dịch rất bền vững, gần như suốt đời, vaccine viêm não Nhật Bản B cũng có miễn dịch rất cao. Tuy nhiên, với vaccine phòng COVID-19, người được tiêm vaccine sau một thời gian từ 4-6 tháng, miễn dịch sẽ giảm dần, sức chống đỡ trước bệnh tật cũng giảm, người đã tiêm rồi vẫn có thể nhiễm COVID-19. Đặc biệt nguy hiểm hơn cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch.
“Việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết để phòng bệnh, nếu không may nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ, hệ thống y tế không bị quá tải, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong”- ông Phu cho biết.
Đặc biệt, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, vaccine phòng COVID-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh khi biến chủng Omicron vẫn là biến thể phổ biến trên thế giới.
“Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, những ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, người mắc bệnh nền”- ông Phu cho biết.
TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) cũng cho biết, mũi vaccine thứ 4 vẫn cần thiết cho những người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch...
"Người đã tiêm loại vaccine có 3 mũi cơ bản (vaccine Abdala) cũng cần tiêm thêm mũi thứ 4, tương tự như mũi vaccine thứ 3 ở các vaccine khác. Các tỉnh thành phải tự rà soát những nhóm người nêu trên, kể cả người cao tuổi khi có tình trạng miễn dịch kém. Bộ Y tế sẽ cấp vaccine theo nhu cầu các tỉnh thành"- TS Phạm Quang Thái cho hay.
Vừa qua, tại Hội nghị tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Thủ tướng luôn nhắc Việt Nam kiểm soát được đại dịch COVID-19 nhờ một trong những nội dung quan trọng nhất là tiêm vaccine. Tỷ lệ tiêm mũi một, mũi hai của người dân nước ta rất cao so với nhiều nước trên thế giới. Mặc dù Việt Nam đã ở trạng thái bình thường mới nhưng chúng ta không thể lơ là, phải tiếp tục đẩy nhanh tiêm chủng các mũi tiếp theo.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, ngoài nhóm nguy cơ cần tiêm mũi nhắc lại, phải đẩy mạnh tiêm cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất để đảm bảo sản xuất; tiêm cho trẻ em để an toàn cho năm học mới. Đối với những người sợ gặp phản ứng phụ, các địa phương thu xếp cho họ tiêm ở cơ sở y tế, kể cả tiêm ngoài giờ.
Virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong. Hiện, biến chủng Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể, thậm chí có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương; hơn nữa miễn dịch có được do tiêm vaccine phòng bệnh và miễn dịch mắc phải đều không bền vững, do đó rất khó trong dự báo dịch. Do đó, vaccine tiếp tục được xem là "vũ khí chiến lược" quyết định nền tảng trong phòng chống COVID-19.
Đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 225.836.499 liều, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 202.337.437 liều (Mũi 1 là 71.489.416 liều; Mũi 2 là 68.834.614 liều; Mũi 3 là 1.508.287 liều; Mũi bổ sung là 14.968.118 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 43.647.711 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 1.889.291 liều).
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.522.049 liều (Mũi 1 là 8.955.297 liều; Mũi 2 là 8.566.752 liều).
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 5.977.013 liều (Mũi 1 là 5.100.371 liều; Mũi 2 là 876.642 liều).