Nhẩm đếm trên 10 đầu ngón tay, bà Đặng Thị Nhung (41 tuổi, quê huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) buông tiếng thở dài. Hôm nay (11/8), vợ chồng bà đã bước sang ngày thứ 12 “ăn không ngồi rồi” ở mảnh đất phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Bà Nhung (phải) đón nhận sự giúp đỡ đến từ một nhóm thiện nguyện.
Bà Nhung kể, cách đây 2 tháng, khi dịch COVID-19 tạm lắng, vợ chồng bà cùng 3 thanh niên khác khăn gói rời quê vào Hội An để kiếm kế sinh nhai. Mới chân ướt chân ráo tới vùng đất lạ, may mắn, hết thảy 5 người được nhận vào làm công nhân xây dựng tại công trình nhà ở đang thi công trên đường Hai Bà Trưng, phường Tân An.
“Thời gian đầu, chúng tôi dựng lán ở tạm ngay tại công trình. Bây giờ, công trình sắp hoàn thành nên chủ nhà cho dọn vào trong phòng khách ngủ.
Hằng ngày, mọi người ăn uống dè sẻn để tiết kiệm tiền gửi về quê lo cho con cái ăn học, phụng dưỡng cha mẹ già. Nào ngờ, dịch bệnh bùng phát trở lại khiến công trình ngưng thi công, còn chúng tôi lâm cảnh thất nghiệp”, bà Nhung nghẹn ngào chia sẻ.
Trong khi bản thân mắc kẹt ở phố cổ Hội An thì 2 cậu con trai của vợ chồng bà Nhung cũng đang “chôn chân” ngoài TP Đà Nẵng. Ông Trịnh Đình Dưỡng (45 tuổi, chồng bà Nhung) cho hay, cách đây hơn nửa tháng, tranh thủ thời gian nghỉ hè, cậu con trai út cùng người anh (20 tuổi) vào thăm ba mẹ.
Lương thực được nhóm thiện nguyện hỗ trợ cho 5 lao động Thanh Hóa đang mắc kẹt ở Hội An.
“Chứng kiến cảnh ba mẹ làm việc cực nhọc, hai đứa chỉ ở Hội An chơi vỏn vẹn 2 ngày rồi ra Đà Nẵng xin làm phục vụ bàn trong nhà hàng. Được đôi ba hôm, Đà Nẵng thông báo đóng cửa các nhà hàng, cấm người dân ra khỏi địa bàn, vậy là cả hai cũng đang bị mắc kẹt, không thể về quê như ba mẹ”, ông Dưỡng buồn rầu nói.
Đồng cảnh ngộ với vợ chồng ông Dưỡng là Phạm Thị Dinh (30 tuổi), Phạm Văn Diện và Bùi Văn Huy. Ba lao động này đã cùng ông Dưỡng, bà Nhung lặn lội vượt hàng trăm cây số đi tìm miếng cơm manh áo ở phố cổ Hội An.
Đáng thương nhất là hoàn cảnh của Phạm Thị Dinh. Gần nửa tháng nay, người phụ nữ 2 con như “ngồi trên đống lửa”. Dịch bệnh COVID-19 khiến phút chốc chị bị mất việc.
“Em có 2 đứa con, đứa nhỏ 5 tuổi, đứa lớn 8 tuổi và đang được ông bà ở quê chăm sóc. Mấy tháng rồi cứ nhận lương là em tức tốc gửi tiền về cho ông bà mua sữa, đong gạo nấu cơm cho các cháu.
Bây giờ lâm cảnh thất nghiệp, bản thân cũng đang khốn đốn lo chạy cơm từng bữa. Thực sự, mấy hôm rồi em đứng ngồi không yên, phần vì nhớ con, phần vì lo không biết mấy ngày tới mình sẽ sống ra sao”, chị Dinh bộc bạch.