Tối 28/10, lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) xác nhận thông tin trên.
Khoảng 14h40, huyện được thông báo các ông Hồ Văn Sợ (cán bộ không chuyên trách dân vận xã Phước Lộc) và Hồ Văn Độ (cán bộ không chuyên trách, Phó Bí thư Đoàn xã Phước Lộc) đi cứu hộ, vận động người dân di tản, tránh bão số 9 thì bị núi lở vùi lấp.
Lập tức huyện thành lập đội cứu hộ, cứu nạn để tìm kiếm 2 cán bộ này; tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thấy tung tích. Việc tìm kiếm vẫn đang được tiếp tục.
Một vụ sạt lở khác xảy ra chiều 28/10 tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) khiến khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng.
Cũng trong chiều 28/10, UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, một vụ sạt lở núi vừa xảy ra tại trung tâm huyện này, vùi lấp nhiều nhà dân và khiến giao thông từ huyện về các xã bị cô lập hoàn toàn.
Thống kê ban đầu cho thấy có 4 người bị vùi lấp nhưng may mắn thoát chết, khoảng 100 nhà dân bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương nhanh chóng sơ tán những hộ dân này, đưa đến trụ sở Đài Phát thanh huyện để trú ẩn.
Ban Chỉ đạo tiền phương về ứng phó với bão số 9 cho biết, theo thống kê ban đầu, cơn bão này khiến 1 người ở Gia Lai chết do trú mưa ở lán bị sập, 2 người ở Bình Định bị thương; 34 nhà bị sập đổ hoàn toàn (trong đó Quảng Ngãi 9, Bình Định 23, Phú Yên 1, Gia Lai 1 nhà).
Bão số 9 cũng khiến 56.163 nhà bị tốc mái, trong đó Quảng Ngãi 53.390, Bình Định 2.588, Phú Yên 44, Gia Lai 109, Kon Tum 32 nhà.
Ngoài ra, gió bão khiến 31 trụ sở cơ quan ở Quảng Ngãi và 35 điểm trường (Quảng Ngãi 28, Gia Lai 3, Kon Tum 4) bị tốc mái, hư hỏng.
Về giao thông, 1 cầu treo ở huyện Kon Rẫy bị cuốn trôi, chia cắt 115 hộ/680 người ở thôn 11, xã Đắk Ruồng. Sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Có 2 tàu của Bình Định bị chìm trên biển ngày 27/10. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ. Ngoài ra còn có 3 tàu cá nhỏ bị chìm ở Phú Yên và Bình Thuận.
Đến tối nay tại Quảng Nam, hồ Đắk Mi 4 xả 11.400m3/s trong 6-12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại trạm Ái Nghĩa có khả năng lên mức 11,2m, trên mức báo động 3 là 2,2m (vượt mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,43m).
Tại Quảng Ngãi, mực nước sông Trà Khúc lên mức 7,5m, trên mức báo động 3 là 1m; mực nước sông Vệ lên mức 5,3m, trên mức báo động 3 là 0,8m.
Tại Bình Định, lũ đạt đỉnh vào tối 28/10, trên sông An Lão tại trạm An Hòa đạt 25,00m, trên mức báo động 3 là 1m; sông Kôn tại trạm Vĩnh Sơn đạt 75m, trên mức báo động 3 là 1m, hạ lưu ở mức báo động 1.
Tại Kon Tum, sông Đắkbla lên mức 522,5m, trên mức báo động 3 là 2m. Mực nước trên các sông khác ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai dao động ở mức báo động 1-2, có sông trên báo động 2.
Từ đêm ngày 28/10, lũ trên các sông sẽ mở rộng ra các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình lên mức báo động 2-3, sông nhỏ lên mức báo động 3; hạ lưu sông Cả lên mức báo động 1-2.
Video: Xe mắc kẹt do bão số 9, CSGT mang cơm miễn phí phát tận tay tài xế