Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đi tiêm phòng bệnh dại bị Trung tâm Y tế Dự phòng thu tiền vắc xin phòng sởi

Người dân đi tiêm phòng dại nhưng trong lúc làm thủ tục thanh toán tiền lại bị kế toán của Trung tâm Y tế Dự phòng (Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế) lập hoá đơn thu tiền vắc xin phòng bệnh sởi.

Vắc xin một đằng, thu tiền một nẻo

Sáng 16/4 VTC News nhận được phản ánh của anh Nguyễn Đình T. (trú TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) về việc, anh này đưa con gái là cháu N.H.B.N (hơn 5 tháng tuổi) đi tiêm phòng vắc xin nhưng bị kế toán của Trung tâm Y tế Dự phòng (Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế) lập hoá đơn thu sai tiền.

Anh T. đưa con tiêm vắc xin Infanix Hexa 0.5ml (vốn: 748.063 đồng; phí: 77.937 đồng) và uống vắc xin đường ruột Rotateq (có giá 567.000 đồng).

 

 Theo phiếu đăng ký tiêm chủng cá nhân thì anh T. đăng ký cho con uống vắc xin Rotateq có giá 567.000 đồng. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Thế nhưng, trong quá trình thu tiền, bộ phận kế toán của Trung tâm Y tế Dự phòng thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế lại lập hoá đơn thu tiền vắc xin đường ruột Rotarix (có giá 774.000 đồng) thay vì vắc xin đường ruột Rotateq (có giá 567.000 đồng) mà cháu bé sử dụng.

Như vậy, đáng ra, với 2 loại vắc xin nêu trên, anh T. chỉ phải nộp tổng số tiền là 1.393.000 đồng thi kế toán lại lập hoá đơn thu của anh này tổng số tiền là 1.600.000 đồng.

Nhưng khi xuất hoá đơn cho T. thì kế toán của Trung tâm Y tế Dự phòng (Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại biến vắc xin Rotateq thành vắc xin Rotarix có giá là 774.000 đồng. (Ảnh: Nguyễn Vương) 

Mãi đến khi anh T. đưa con vào tiêm thì một kỹ thuật viên của trung tâm trên mới phát hiện sai sót của kế toán và nói với anh.

Anh T. mang hoá đơn đến bộ phận kế toán để thắc mắc thì nhân viên kế toán thu tiền của anh nói: "Do mới làm công việc này chưa có kinh nghiệm nên xảy ra nhầm lẫn và trả lại số tiền chênh lệch giữa 2 loại vắc xin Rotarix và Rotateq cho anh T".

Theo tìm hiểu của PV VTC News, anh T. không phải trường hợp duy nhất bị rơi vào cảnh “tiêm vắc xin một đằng bị thu tiền một nẻo” trong buổi tiêm phòng diễn ra sáng 16/4 tại Trung tâm Y tế Dự phòng thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Một thông tin kỳ quặc mà PV VTC News tìm hiểu được, đó là trường hợp một bệnh nhân đi tiêm vắc xin phòng dại, nhưng trong lúc làm thủ tục nộp tiền lại bị thu tiền vắc xin phòng sởi, quai bị.

Theo đó, anh Ngô Đức Hùng (SN 1975, trú thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đi tiêm vắc xin phòng dại nhưng khi đi nộp tiền thì lại bị bộ phận thu ngân cấp hoá đơn và thu tiền vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị Rubella (MMR II, USA) (vốn: 153.550 đồng; phí: 63. 150 đồng).

 Anh Hùng đăng ký tiêm phòng dại. (Ảnh: NguyễnVương)

 Nhưng trong hoá đơn thanh toán vắc xin phòng dại lại biến thành vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Vừa tiêm phòng vừa tranh thủ cắn hạt dưa

Ngoài vấn đề nêu trên, anh Nguyễn Đình T. còn tỏ ra bức xúc trước việc, một kỹ thuật viên của trung tâm có tên Nguyễn Thị Cẩm Nhung trong quá trình tiêm vắc xin phòng bệnh còn tranh thủ cắn hạt dưa.

Trả lời PV VTC News, kỹ thuật viên Nguyễn Thị Cẩm Nhung thừa nhận việc ăn hạt dưa trong quá trình tiêm vắc xin. Cô này giải thích: "Do khi ấy sắp về thì lại có người đến tiêm nên tôi có tranh thủ ăn hạt dưa".

Liên quan đến các vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: "Việc bộ phận kế toán của trung tâm thu nhầm tiền và nhầm loại vắc xin ở trên là sai lầm nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, cũng cần phải thông cảm cho nữ kế toán thu tiền trong các sự việc nêu trên vì cô này này chưa có kinh nghiệm trong việc thu tiền vắc xin tiêm phòng. Có rất nhiều loại vắc xin tiêm phòng khác nhau, thống kê có đến 28 loại vắc xin đang được tiêm tại trung tâm, mỗi ngày có đông người đến tiêm nên có thể  xảy ra nhầm lẫn.

 Trung tâm Y tế Dự phòng (Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế) - nơi xảy ra sự việc. (Ảnh: Nguyễn Vương)

PGS.TS Nguyễn Đình Sơn giải thích: "Trước đây, Trung tâm có một người chuyên đảm trách việc thu tiền vắc xin tiêm phòng. Tuy nhiên, mới đây gia đình người này có việc hiếu nên người này có đơn xin nghỉ.

Phòng Kế hoạch Tài chính của trung tâm phải cử người mới làm thay, vì người này chưa có kinh nghiệm nên để xảy ra nhầm lần".

Một diễn biến khác, trả lời PV VTC News Thạc sĩ Nguyễn Thái Hoà, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, nữ kế toàn để xảy ra sai sót trong các trường hợp nêu trên là là Trần Thị Thanh Nga.

Video: Khoảng 10% nhân viên y tế có thái độ chưa tốt

Theo ông Hòa, sáng 16/4 có 9 trường hợp uống vắc xin Rota, trong đó có 8 trường hợp uống vắc xin rotarix do Bỉ sản xuất và 1 trường hợp uống vắc xin rotateq do Mỹ sản xuất. Trường hợp bị thu sai tiền là bệnh nhân uống vắc xin Rotateq.

Trường hợp anh Ngô Đức Hùng đi tiêm phòng dại nhưng lại bị thu tiền vắc xin phòng sởi thì cô Trần Thị Thanh Nga cũng thừa nhận sai sót và lý giải, 2 loại vắc xin phòng sởi và phòng dại cùng có giá là 217.000 đồng. Do có ít kinh nghiệm nên trong quá trình làm việc với các danh mục thuốc trên máy tính cô này tích nhầm nên xảy ra sai sót.

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Thái Hoà, bộ phận Kế hoạch Tài chính – kế hoạch của trung tâm đã thu lại và huỷ 2 hoá đơn sai, trả lại tiền thu nhầm cho anh T.

Còn trường hợp kỹ thuật viên Nguyễn Thị Cẩm Nhung, về nguyên tắc, khi tiêm phòng cho bệnh nhân thì kỹ thuật viên phải rửa xà phòng khô để đảm bảo vô trùng. Việc cô Nhung trong quá trình tiêm phòng lại ăn hạt dưa là sai, trung tâm đã yêu cầu cô này rút kinh nghiệm.

Nguyễn Vương

Tin mới