Vào tháng 2/2020, Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một thỏa thuận hòa bình với Taliban tại Doha, Qatar. Ông lạc quan tuyên bố rằng thỏa thuận này sẽ dẫn đến “thành công” cho các chính sách của Mỹ về Afghanistan. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi đó cũng khẳng định chính quyền Trump đang "nắm bắt cơ hội tốt nhất vì hòa bình".
Giờ đây, thỏa thuận của người tiền nhiệm bị Tổng thống Joe Biden cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc tiến công thần tốc Taliban vào thủ đô Kabul. Ông nói rằng thỏa thuận đã tác động đến quyết định rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi Afghanistan, tạo tiền đề cho sự hỗn loạn bao trùm đất nước này.
Thỏa thuận Mỹ - Taliban được ký kết dưới thời Cựu Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, thực tế là Mỹ có thể rút khỏi thỏa thuận nếu các cuộc đàm phán hòa bình với Afghanistan thất bại. Nhưng Tổng thống Biden không làm như vậy.
Dựa trên quyết định đó, Cựu quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller phản đối ý kiến nói rằng thỏa thuận Doha đã ràng buộc Tổng thống Biden.
“Nếu ông ấy cho rằng đó là một thỏa thuận tồi, ông đã có thể đàm phán lại. Tổng thống có rất nhiều cơ hội để làm điều đó nếu ông ấy muốn”.
Nhưng ông Biden cũng có khó khăn riêng do việc thương lượng lại thỏa thuận không hề dễ dàng. Nếu rút khỏi thỏa thuận, Mỹ có thể buộc phải gửi thêm hàng nghìn binh lính đến Afghanistan, trong khi mục tiêu của cả hai vị tổng thống đều là rút quân khỏi nước này.
Hôm 16/8, Tổng thống Biden đã làm rõ vấn đề này trong một bài phát biểu trên truyền hình. Ông cho biết sẽ không cam kết cử thêm quân đội Mỹ đến Afghanistan, đồng thời phản đối làm theo phương pháp được đưa ra vào thời chính quyền Trump.
"Lựa chọn mà tôi phải đưa ra với tư cách là Tổng thống của các bạn là tuân theo thỏa thuận hoặc chuẩn bị để chiến đấu với Taliban", ông Biden nói.
Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Thỏa thuận đầy sơ hở
Theo thỏa thuận Doha, Mỹ phải giảm 13.000 binh lính ở Afghanistan xuống còn 8.600 trong 3 - 4 tháng kể từ khi ký kết. Toàn bộ lực lượng còn lại cần rút về Mỹ trong 14 tháng, hoặc trước ngày 1/5.
Về phía Taliban, thỏa thuận quy định lực lượng này phải tuân theo các cam kết nhằm ngăn chặn khủng bố, bao gồm al-Qaeda và các nhóm ở Afghanistan có âm mưu tấn công Mỹ hoặc các đồng minh Mỹ. Dù thỏa thuận buộc Taliban ngừng tất cả các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ và liên quân, nhưng lại không yêu cầu rõ rằng họ phải trục xuất al-Qaeda hoặc ngừng các cuộc tấn công vào quân đội Afghanistan. Việc tiến công giành quyền kiểm soát các thành phố Afghanistan cũng không nằm trong các điều khoản cấm.
Vào thời điểm ký kết, các quan chức Mỹ nói rằng thỏa thuận này được lập dựa trên các điều kiện kèm theo. Nếu các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ ở Afghanistan không có kết quả, cam kết rút quân sẽ bị Mỹ vô hiệu hóa.
Đặc phái viên Zalmay Khalilzad dẫn đầu đoàn đàm phán của Mỹ cũng cho biết thỏa thuận Doha có thể bị đảo ngược. “Mỹ không có nghĩa vụ phải rút quân nếu các bên Afghanistan không thể đạt được thỏa thuận hoặc nếu Taliban không tin tưởng vào quá trình đàm phán này”, ông Khalilzad nói.
Thỏa thuận Doha đáng lẽ phải đóng vai trò là "giai đoạn một" của quá trình đàm phán hòa bình ở Afghanistan. Mỹ dự định sử dụng nó như đòn bẩy để yêu cầu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đàm phán về việc chia sẻ quyền lực với Taliban.
Đàm phán hòa bình dự định bắt đầu trong vòng một tháng kể từ khi thỏa thuận Mỹ - Taliban được ký kết, nhưng đã bị trì hoãn do tranh chấp giữa Taliban và chính phủ Afghanistan về việc thả tù nhân. Cuối cùng, các cuộc đàm phán không đạt được bất kỳ kết quả nào vào thời điểm Tổng thống Biden thông báo quyết định rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 4.
Lisa Curtis, một chuyên gia về Afghanistan từng là giám đốc khu vực Nam và Trung Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời Trump, cho rằng Mỹ lẽ ra không nên tham gia vào thỏa thuận Doha.
“Mỹ chỉ nên tham gia đàm phán ở Doha nếu dự định đại diện cho lợi ích của chính phủ Afghanistan. Đó là một cuộc đàm phán không công bằng do không ai quan tâm đến lợi ích của chính phủ nước này”.
Taliban giành được quyền kiểm soát thủ đô Kabul quá nhanh so với dự báo của cả hai chính quyền Mỹ và Afghanistan. (Ảnh: AP)
Chính quyền Trump đã đặt niềm tin sai chỗ
Việc Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul quá nhanh so với dự báo của cả hai chính quyền Mỹ và Afghanistan đã khiến các quan chức đặt ra câu hỏi rằng liệu các điều khoản và điều kiện của thỏa thuận Doha, cũng như các quyết định được đưa ra sau đó, có đủ để bảo vệ Afghanistan một khi Mỹ rút quân hay không.
Thỏa thuận lịch sử này mang tính ngoại giao cao, nó đòi hỏi Mỹ tin tưởng vào Taliban như một đối tác hòa bình tiềm năng, bất chấp sự hoài nghi từ người Afghanistan.
“Thỏa thuận Doha là một thỏa thuận rất yếu và Mỹ lẽ ra phải khiến Taliban nhượng bộ nhiều hơn”, chuyên gia Lisa Curtis cho biết.
Bà Curtis gọi niềm tin vào việc Taliban sẽ hành động vì nền hòa bình lâu dài là "mơ tưởng". Rốt cuộc, thỏa thuận Doha đã tạo ra lợi thế cho Taliban, góp phần làm suy yếu quyền lực của Tổng thống Ashraf Ghani và tạo điều kiện thả 5.000 tù nhân Taliban mà không đổi lại được sự nhượng bộ tương xứng từ lực lượng nổi dậy.
“Taliban muốn Mỹ rút quân và tiếp quản đất nước bằng quân sự, họ tin rằng có thể làm được điều đó”, chuyên gia về Afghanistan phân tích rằng ngay từ đầu, Taliban đã không phải đối tác đáng tin cậy.