Dãy Giăng Màn sừng sững ôm trọn 27km đường biên giới Việt-Lào, nơi nổi tiếng với những cánh rừng nguyên sinh rộng hàng chục nghìn héc ta, quanh năm mây mù bao phủ. Đây là nơi khởi nguồn của những dòng suối mát lành, len lỏi qua từng ghềnh đá mà hợp thành dòng sông Gianh lịch sử và cũng là nơi sinh sống của cá mát, cá chình, cá leo, ếch núi, cua đá…
Trong chuyến công tác đến bản Lòm, nơi xa nhất của xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, phóng viên có chuyến trải nghiệm thú vị cùng với những người anh em người Mày, xuyên đêm săn các loài được xem là đặc sản của núi rừng này.
Khi bóng đêm bắt đầu bao trùm lên khắp bản làng, chúng tôi theo chân ông Hồ Biên cùng hai thanh niên người Mày ở bản Lòm là Hồ Xum và Hồ Đum ngược nguồn khe Vàng, bắt đầu chuyến trải nghiệm đánh bắt cá mát và ếch núi. Theo lời ông Biên, trước đây, đồng bào người Mày ở bản Lòm chỉ cần ra đoạn suối trước bản đánh bắt là đã có cá và ếch để ăn. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, vì là món đặc sản bán được giá cao nên lượng người đi bắt ngày càng đông; nhiều người còn lén lút dùng kích điện nên cá, cua, ếch cũng cạn dần.
Dụng cụ dùng để đánh bắt cá mát là lưới cỡ 2
Vậy nên, bây giờ muốn bắt được nhiều cá, ếch và cua thì phải chịu khó đi xa, ngược nguồn lên những khe suối nằm sâu trong rừng nguyên sinh, trên núi Giăng Màn.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là đoạn khe Vàng cách bản Lòm chừng 5km, nơi đây dòng suối vừa len qua những ghềnh đá lớn, tạo thành những vực nước khá rộng và sâu. Như đã phân công từ trước, ông Hồ Biên dùng đèn soi đi dọc bờ đá mọc chen bụi rậm để bắt ếch núi. Còn tôi cùng anh em Hồ Xum và Hồ Đum men theo các vực nước rộng để thả lưới bắt cá mát.
Theo anh Hồ Xum, đã từ lâu, cá mát được xem là một món ăn đặc sản của đồng bào người Khùa, người Mày nơi mảnh đất biên cương này. Trong các dịp lễ trọng hay đón khách quý, trong mâm cơm của đồng bào người Khùa, người Mày nhất định phải có món cá mát đánh bắt ở các khe, suối trên thượng nguồn sông Gianh.
Con cá mát lớn nhất to bằng ba ngón tay người lớn (nặng từ 0,5-0,7kg), trên thân có 6 chấm đen và vảy màu hồng nhạt. Cá mát sống ở các khe đá, hang ngầm dưới sông hoặc nơi thác nước chảy xiết. Cá thường kiếm ăn vào ban đêm. Khi trời chập choạng tối cũng là lúc từng đàn cá mát nối đuôi nhau tìm ăn côn trùng trên mặt nước hoặc ăn các loại rong rêu bám vào đá… cho đến tờ mờ sáng hôm sau sẽ bơi về nơi ẩn nấp. Hiểu rõ những đặc tính này, nên người Khùa, người Mày thường đánh bắt cá mát vào ban đêm. Công cụ để đánh bắt cá mát phổ biến là lưới bén cỡ 2. Trước đây, khi lưới bén chưa phổ biến, những người Khùa, người Mày giỏi bơi lội còn lặn xuống các ngầm đá, nơi cá mát ẩn nấp rồi dùng súng bắn cá để đánh bắt nhưng hiệu quả thường không cao.
Bảo chúng tôi ngồi chờ trên bờ đá, anh Xum cầm tay lưới bén, lội xuống vực nước, vừa bơi, vừa rải lưới. “Khoảng tiếng đồng hồ thì thu lưới một lần. Cứ như vậy, hết vực nước này thì tiến lên vực nước khác, xuyên đêm cho đến sáng mới về.”, anh Xum cho biết. Theo đánh giá của anh Xum, khe suối trên thượng nguồn sông Gianh có nhiều loài cá ngon nhưng không có loại cá nào ngon bằng cá mát. Cá mát được đồng bào người Khùa, người Mày chế biến thành nhiều món ăn, nhưng ngon nhất vẫn là món cá mát không làm ruột (ruột cá mát có màu rêu xanh, ăn có vị đắng ngọt ở đầu lưỡi) nướng trên than hồng.
Để chứng minh cho lời mình nói, sau mẻ lưới đầu tiên, anh Xum đã chọn những con cá mát lớn để nướng cho chúng tôi thưởng thức ngay bên bờ suối, giữa rừng khuya. Khi than hồng đã rực, cá mát lần lượt nằm gọn trên kẹp nứa tươi và cứ khoảng 4-5 phút lại được trở đều một lần cho đến khi cá chín. Quả thật, chưa bao giờ chúng tôi được thưởng thức món cá nướng ngon đến vậy. Bẻ từng miếng cá mát nướng cho vào miệng, từ từ nhai mới cảm nhận hết sự thơm ngon, béo… đến tận miếng cuối cùng. Cá mát ngon như vậy, nên hiện nay, giá lên đến 500 nghìn đồng/kg mà không có để bán…
Một mẻ lưới ở khe Vàng, thượng nguồn sông Gianh cũng chỉ được hơn chục con cá mát
Nửa đêm, khi chúng tôi vừa nướng xong mớ cá mát thì cũng là lúc ông Hồ Biên trở về với cái giỏ chứa khoảng 3kg ếch núi. Theo quan sát của chúng tôi, loài ếch núi không lớn, chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái người lớn một chút, lưng có màu sậm đen, xù xì giống con cóc. Tuy nhiên, theo những người sành ăn, loài ếch này có thịt trắng, ngọt và sống ở tự nhiên nên khách hàng rất ưa chuộng.
“Trước đây, ếch đá nhiều nhưng không ai ăn, bán không được giá nên đồng bào người Mày, người Khùa bắt về chỉ để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Vậy nhưng gần đây, những quán, hàng trên quốc lộ 12A và thị trấn Quy Đạt mua để chế biến thành món đặc sản nên ếch đá đã có giá từ 70 đến 100 nghìn đồng/kg… Vì thế, mỗi đêm, nếu gặp ếch đá ra bờ suối bắt côn trùng nhiều, miềng cũng bắt được từ 3-5kg ếch, cũng có đồng ra, đồng vào để trang trải cuộc sống…”, ông Biên chia sẻ.
Một đêm xuyên rừng cùng ông Biên và 2 thanh niên người Mày ở bản Lòm đi săn cá mát và ếch đá ở khe Vàng với chúng tôi thực sự là một trải nghiệm rất thú vị. Đối với đồng bào người Mày, người Khùa dưới chân dãy Giăng Màn, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên vào lúc nông nhàn, họ đều phải vào rừng để săn con ếch, bắt con cua, con cá… những thứ mà pháp luật không cấm, để đem bán mua lấy cân gạo, hạt muối… Nhưng chúng tôi cũng hiểu được rằng, để soi được con ếch, bắt được con cua, con cá trên các khe suối trong những khu rừng nguyên sinh thâm u không phải là chuyện đơn giản, đòi hỏi người đi săn phải có kỹ năng sinh tồn, kinh nghiệm đi rừng...