Có tiền sử viêm màng não, tăng huyết áp, gần đây người phụ nữ 70 tuổi ở Hà Nội thường xuyên đau miệng. Gia đình tưởng bà đau răng nên đưa đi viện khám nha khoa. Bác sĩ phát hiện có khối u bất thường nên giới thiệu đi khám chuyên sâu.
Bà đến Bệnh viện E trong tình trạng bề mặt khối u bị sùi loét, lưỡi hạn chế vận động, di căn hạch dưới hàm trái, chẩn đoán ung thư bờ lưỡi.
Đây là một trong những loại ung thư phổ biến nhất của ung thư miệng. Hiện chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân ung thư lưỡi, nhưng một số yếu tố nguy cơ gây bệnh như thói quen uống rượu và hút thuốc lá kéo dài, vệ sinh răng miệng kém, thói quen ăn uống chưa hợp lý, quan hệ tình dục không an toàn (bằng miệng), do gene.
Ê kíp mổ cắt rộng khối ung thư sàn miệng và 1/2 lưỡi, nạo vét hạch cổ ngăn u xâm lấn sang các vùng khác. U bị cắt để lại khuyết hổng lớn ở lưỡi và vùng chậu sàn miệng bệnh nhân, kíp mổ sử dụng vạt da ở cánh tay phải để tạo hình lưỡi, sàn miệng. Sau phẫu thuật, người bệnh được tập nuốt, tập nói, trở lại cuộc sống.
Ê kíp mổ cắt rộng khối ung thư sàn miệng và 1/2 lưỡi, nạo vét hạch cổ ngăn u xâm lấn sang các vùng khác. (Ảnh: BVCC)
Theo TS.BS Nguyễn Hồng Nhung - khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện E, triệu chứng ban đầu ung thư lưỡi không rõ ràng, mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý răng miệng thông thường nên khó phát hiện khi ở giai đoạn khởi phát. Nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khó khăn trong điều trị.
Trường hợp này, người bệnh bị lẫn, lúc nhớ lúc quên vị trí đau, gia đình không nghĩ bị ung thư nên không đưa đi khám kịp thời. Khi bệnh nhân vào viện, ung thư đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn T3), kích thước khối u lớn xâm lấn toàn bộ vùng niêm mạc miệng đến lớp cơ, mạch máu và xung quanh vùng lưỡi.
Theo bác sĩ Nhung, phương pháp điều trị tối ưu là cắt bỏ toàn bộ khối u và các vùng liên quan, sau đó tạo hình lưỡi bằng vạt vi phẫu.
Bác sĩ Nhung khuyến cáo, những dấu hiệu sớm ung thư lưỡi thường khá mờ nhạt và dễ bị bỏ qua, trong khi phát hiện sớm bệnh giúp kết quả điều trị tốt hơn. Do vậy, khi có triệu chứng bất thường ở lưỡi, má, vùng khoang miệng cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời. Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh nên thường xuyên tầm soát ung thư, nhất là người trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc, uống rượu, quan hệ tình dục không an toàn.