Tôi 23 tuổi, ra đời gần nửa thế kỷ sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ngày tôi lớn lên, chẳng những chiến tranh đã lùi xa mà cả những khó khăn thiếu thốn của thời bao cấp cũng chỉ còn trong chuyện ôn nghèo kể khổ của bố mẹ với nhau. Thời của tôi là internet, là Facebook và Instagram, là game trực tuyến, là Sơn Tùng MTP và BTS, là gà rán KFC và trà sữa…
Tôi tự hào về đất nước, về tổ tiên qua những trang sử được học và truyền thống gia đình, nhưng cuộc sống hiện đại có quá nhiều thứ thu hút khiến tôi không suy nghĩ nhiều về điều đó, chỉ mải cắm đầu vào học và chơi, vừa hưởng thụ niềm vui tuổi trẻ vừa dốc sức học hành để lo cho tương lai. Tôi nghĩ về ngày 2/9 chủ yếu như một ngày nghỉ, được lao ra đường chơi trong không khí hội hè.
Chỉ đến khi ra nước ngoài học, tôi mới lần đầu tiên tôi thực sự cảm nhận 2/9 như ngày khai sinh của đất nước mà tôi là một phần trong đó, và cũng là lần đầu tiên tôi thực sự nghĩ về khái niệm Tổ quốc. Khởi đầu là cảm giác như bị cho ra rìa khi trên mạng ngập sắc cờ đỏ sao vàng và hình ảnh vui chơi, hội hè với những gương mặt hân hoan.
Hình ảnh cờ đỏ sao vàng trên phố quê hương ngày Quốc khánh gây cảm xúc mãnh liệt cho người đi xa. (Ảnh: Thể thao & Văn hóa)
“Lẽ ra giờ này mình cũng được hòa mình trong dòng người đó, lẽ ra cuộc vui này có phần mình”, tôi nghĩ, và bỗng thấy thèm được ngồi trước tivi với ông nội xem các phim tài liệu lịch sử và chương trình kỷ niệm, với các bài hát mà trước đây tôi vẫn chê ỏng chê eo là “chỉ các cụ mới nghe”. Bỗng thấy tự hào với hai tiếng Việt Nam, thấy hiểu sự hào hứng của ông nội khi cố gắng nói với tôi về những nhân vật lịch sử trên màn ảnh. Tôi tìm đọc thêm nhiều tài liệu, sách báo về lịch sử nước mình từ ngày đó, càng đọc càng say mê.
Cùng với các bạn Việt Nam khác, tôi vài lần dự tiệc mừng Quốc khánh ở đại sứ quán. Lúc chào cờ, tôi ngẩng đầu ngắm quốc kỳ với cảm xúc dạt dào mãnh liệt hơn bao giờ hết, hát quốc ca mà mắt rơm rớm, mũi cay cay. Nhưng lễ kỷ niệm mang tính hình thức ở đại sứ quán thường chỉ giúp vơi bớt một phần cảm giác nhớ quê hương, phần còn lại vẫn cứ thôi thúc đòi tìm chỗ giải phóng. Tôi chỉ muốn học xong thật nhanh để bay ngay về nhà, làm một cái gì đó cho gia đình, cho bạn bè, đất nước.
Không biết các bạn trẻ du học sinh khác có giống tôi không, chứ trong ngày Quốc khánh ở xứ người, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trở nên vừa thân thương vừa thiêng liêng kỳ lạ. Ngắm màu cờ mà thấy lòng yêu nước trào dâng, thấy lòng cứ hướng về Tổ quốc. Nếu bạn hỏi với tôi lúc đó Tổ quốc là gì, tôi chỉ có thể trả lời: Là gia đình tôi, là những nơi chốn, con người tôi từng gắn bó, là nơi tôi sẽ trở về để phấn đấu và cống hiến. Vậy thôi.
Và năm ngoái tôi đã trở về, đã được bước trong dòng người vui lễ Quốc khánh, không còn phải tủi thân “hít hà” không khí Tết Độc lập qua mạng xã hội nữa. Ngày này tôi cũng vẫn đi chơi với bạn bè hoặc gia đình như xưa, nhưng cảm nhận đã khác. Việc kỷ niệm ngày này giống như lay nhẹ sợi dây neo tim ta với xứ sở mà ta gọi là Tổ quốc, để nhắc rằng dù đi xa đến đâu cũng không sợ lạc lõng bơ vơ vì biết vẫn có một nơi mình thuộc về, và thuộc về mình.
Bạn có cảm xúc gì về điều này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.