Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Di chuyển tộc người ngủ ngồi Đan Lai ra khỏi chốn 'sơn cùng thủy tận' về nơi ở mới

Tộc người ngủ ngồi Đan Lai được di chuyển ra khỏi rừng sâu giáp biên giới Việt - Lào để đến nơi ở mới thuộc Khu tái định cư Kẻ Tắt - Bá Hạ (Con Cuông, Nghệ An).

Sáng 13/8, trả lời VTC News, ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư huyện ủy Con Cuông (Nghệ An) cho biết, chính quyền địa phương vừa di dời 22 hộ dân đồng bào dân tộc Đan Lai sống trong khu vực rừng quốc gia Pù Mát ra nơi ở mới thuộc Khu tái định cư Kẻ Tắt - Bá Hạ (xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông) để có điều kiện sống tốt hơn.

"Nơi ở mới có cơ sở vật chất và điều kiện về đất đai, khí hậu thuận lợi, nguồn nước sinh hoạt cũng như đường giao thông cũng thuận tiện hơn.

Đến nơi ở mới xã Thạch Ngàn, đồng bào Đan Lai sẽ có cơ hội phát triển kinh tế tốt hơn so với các vùng khác", Bí thư huyện ủy Con Cuông chia sẻ và cho biết hiện tại còn 13 hộ dân nữa chính quyền địa phương đang vận động, cố gắng đến cuối năm 2019 tất cả được di dời ra khu tái định cư ở xã Thạch Ngàn.

 Hàng chục hộ dân người Đan Lai ở trong vùng lõi rừng sâu giáp biên giới Việt - Lào. (Ảnh: BNA)

Trước đó, ngay từ sáng sớm 30/7, chính quyền huyện Con Cuông (Nghệ An) cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát, Đồn Biên phòng Môn Sơn, giáo viên các trường học có mặt tại bản Cò Phạt và bản Búng, xã Môn Sơn (nơi được ví là "sơn cùng thủy tận" mà hàng chục hộ dân Đan Lai đang sinh sống) để giúp bà con vận chuyển đồ đạc về nơi ở mới.

Ông Lương Văn Tuấn (Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) chia sẻ: "Bà con Đan Lai sống ở đây nhiều đời nay, là một phần máu thịt của người dân Môn Sơn. Giờ bà con rời bản làng, rời quê hương sang vùng đất mới cũng thấy có chút hụt hẫng, lưu luyến. Nhưng sang nơi ở mới, thuận lợi về cơ sở vật chất, hạ tầng, có đất sản xuất, mở rộng giao lưu… thì đời sống của người dân sẽ bớt đi khó khăn.  

Những ngày qua, chính quyền và các đoàn thể cấp xã ngoài việc vận động, làm công tác tư tưởng cho người dân di dời theo đúng kế hoạch thì còn bố trí nhân lực hỗ trợ bà con kiểm đếm tài sản, gói ghém đồ đạc, vận chuyển đến nơi ở mới. Đồng thời, tổ chức gặp mặt, chia tay bà con". 

 Vợ chồng trẻ người Đan Lai ra khe suối bắt cá

 Trẻ em Đan Lai tắm ở khe suối trong rừng giáp biên giới Việt - Lào.

Do người Đan Lai nơi đây sống quen với vùng lõi Vườn Quốc gia Phù Mát, quen với núi rừng và khe suối nên công tác tuyên truyền, thuyết phục đồng bào về nơi ở mới gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian dài, các cấp các ngành, đặc biệt đích thân Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng vào tận thôn bản động viên, chia sẻ, vận động bà con Đan Lai ra nơi ở mới. 

Anh La Văn Hạnh (40 tuổi, trú tại bản Cò Phạt, xã Môn Sơn) cho biết, cuộc sống nơi đây gặp nhiều khó khăn, hàng ngày anh ra khe suối đánh bắt cá, thỉnh thoảng vào rừng săn bắt những con thú nhỏ trong rừng để đưa về nhà nấu ăn. Một số người thỉnh thoảng vượt hàng chục km núi rừng để lấy mật ong hoặc hoa phong lan về đem bán để mua thức ăn và quần áo. 

Không chỉ cuộc sống khó khăn, tộc người Đan Lai còn xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết, tảo hôn dẫn đến suy thoái về giống nòi. Có trường hợp chỉ sinh năm 1984 nhưng nay đã có cháu nội - ngoại.

 Do sống trong rừng sâu sát biên giới Việt Lào nên cuộc sống của người dân Đan Lai gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: BNA)

Để cứu tộc người Đan Lai, năm 2006, Thủ tướng ban hành Quyết định số 280 phê duyệt đề án Bảo tồn và phát triển tộc người thiểu số Đan Lai sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Tổng kinh phí của dự án hơn 93 tỷ đồng. 

Mục đích là di chuyển 146 hộ dân tộc người thiểu số Đan Lai ở thượng nguồn Khe Khặng đến nơi ở mới là xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Từ năm 2006 đến năm 2018 đã có hàng trăm người Đan Lai ra nơi ở mới. 

Tộc người Đan Lai là một trong những dân tộc ít người của Việt Nam, hiện chỉ sinh sống tại một số điểm ở huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An.

Tộc người này có nguồn gốc từ người Kinh, chủ yếu là dòng họ La.

Theo tương truyền, cách đây hàng trăm năm, dòng họ này vốn ở miền Hoa Quân (nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Bạo chúa Hoa Quân lúc ấy buộc họ phải tìm cho ra 100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái, nếu không sẽ thảm sát tất cả.

Sợ bị giết hại, cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi. Họ chạy mãi, khi đến thượng nguồn sông Giăng, huyện Con Cuông, nơi không còn nghe thấy tiếng người, mới dám dừng chân định cư và hình thành tộc người Đan Lai ngày nay. 

Người Đan Lai có tục ngủ ngồi để đề phòng thú dữ và bạo chúa truy đuổi. Theo một số tài liệu thì hiện tộc này có khoảng 3.000 người.

TRẦN LỘC

Tin mới