Ruộng bậc thang xã Nậm Ty.
Nói đến Hà Giang, miền đất cực Bắc hùng vĩ và tráng lệ của Tổ quốc, mọi người thường liên tưởng đến cột cờ Lũng Cú kiêu hãnh, đèo Mã Pí Lèng trên dòng sông Nho Quế, cao nguyên đá Đồng Văn bát ngát, đèo Thẩm Mã hiểm trở hay Yên Minh an bình vi vút tiếng thông reo…
Nhưng có một cung đường khác được ví như “bờ Tây” của Hà Giang, cũng đẹp đẽ và tráng lệ không kém, nơi đang bước vào thời điểm mà du khách đến đây như lạc giữa “mênh mông biển vàng” đầy mê hoặc và quyến rũ, với sóng lúa rì rào xen lẫn tiếng chim ca, tiếng suối chảy róc rách cùng tiếng thác đổ ầm ào tạo nên bản hòa ca làm say đắm lòng người. Đó là cung đường Hoàng Su Phì, Xín Mần của Hà Giang mùa lúa chín.
Cổng trời Thông Nguyên.
Cuộc hành trình bắt đầu từ Hà Nội vào buổi sáng sớm, chúng tôi qua Vĩnh Yên, Tuyên Quang, đi qua huyện Bắc Quang (Hà Giang) và đến được cổng trời Thông Nguyên, nơi có “Khu di tích thắng cảnh ruông bậc thang xã Thông Nguyên – Nậm Ty” khi trời cũng đã ngả chiều. Những thửa ruộng bậc thang trĩu hạt sắp vào mùa gặt vàng óng, ánh lên dưới những vạt nắng chiều khoe vẻ kiều diễm, khoe sự no đủ tiềm tàng khiến cho cả đoàn như vơi bớt mệt nhọc đường xa.
Những thảm lúa phẳng mịn ở bản Péo.
Dù Hà Giang, Hoàng Su Phì hay bản Péo đều nằm trên những dãy đồi núi lô xô tiếp nối nhau tưỏng chừng như không dứt nhưng rất nhiều nơi trong cuộc hành trình, chúng tôi bắt gặp những vạt ruộng lúa chín trải phẳng lì, vàng ruộm như tấm thảm nhung màu vàng, khiến cho ai đứng ngắm cũng phải trầm trồ, ngây ngất trước tạo vật diễm lệ của cả thiên nhiên lẫn con người cần cù, chăm chỉ nơi đây.
Nắng chéo xiên khoai trên cánh đồng bản Péo tạo nên hiệu ứng ánh sáng thật đặc biệt.
Sau một đêm vui với rượu ngô Hà Giang, với những đặc sản rừng núi ngon lành và lạ miệng, với cái lành lạnh quyến rũ của vùng cao, với ánh trăng hạ tuần bàng bạc ma mị trải đều xuống những cánh đồng tít tắp, chúng tôi rời thị trấn Cốc Pài, xuyên đèo Gió, đến với thác Tiên (xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần).
Thác Tiên quyến rũ.
Sau gần chục cây số đổ đèo leo dốc rồi được hòa mình vào với thiên nhiên thuần khiết, hít thở không khí trong lành, vốc dòng nước mát lạnh từ thác Tiên lên rửa mặt và trầm trồ với thảm thực vật nguyên sơ, ken dày nơi đây, cảm giác thật thư giãn và sảng khoái.
Đường về hai thôn.
Chiếc xe lại đưa chúng tôi đi qua những cung đường tuy còn nhỏ hẹp, đôi khi tróc lở, đôi lúc phải lăn bánh chầm chậm qua cây cầu chênh vênh bắc ngang con suối, hay lượn vòng qua những triền núi còn đẫm sương mai. Khi những thảm ruộng lúa chín vàng trải dài hiện ra như một bức tranh tuyệt mỹ, cả đoàn reo lên đầy phấn khích.
Thảm thực vật ken dày trên đèo Gió.
Có lẽ nắng sớm và sự tươi tắn của một ngày mới làm cho không gian xung quanh như sáng bừng thêm lên khiến ai cũng mê mải ngắm nhìn những cánh đồng vàng tươi, xếp lớp bậc thang gọn ghẽ đẹp xinh, từng lớp phẳng như nhung, đôi lúc chấp chới gợn những sóng lúa mê mải nối đuôi nhau xào xạc mỗi khi có cơn gió lướt qua.
Những ngôi nhà đơn sơ bên ruộng lúa của đồng bào dân tộc.
Nhìn những chòi canh lúa (hay nhà dân chẳng rõ) điểm xuyết giữa mênh mông biển vàng, những lữ khách phương xa ai cũng ước ao mong được một ngày trọn vẹn sống trên đó.
Những túp lều bên ruộng lúa.
Đến giờ lên đường mà chẳng ai muốn dời chân đi, ai cũng nấn ná muốn ngắm thêm những vạt ruộng vàng, ngẩng đầu nhìn mây bay gió thổi, tranh thủ chụp thêm vài tấm hình ở những góc khác nhau. Thiên nhiên tươi đẹp, cảnh vật quyến rũ như níu chân, làm say lòng người, khiến ai cũng lâng lâng và tâm hồn thấm đẫm một màu lúa chín vàng mê mải thoảng hương mùa gặt no ấm đủ đầy.
Biển vàng mê mải.