Làng chài Trung Phường (xã Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam) nằm ở nơi giao thoa giữa sông và biển. Bên tả của ngôi làng trải dài theo triền con sóng là hạ lưu sông mẹ Thu Bồn, còn bên hữu với khung cảnh trời cao biển rộng bao la là cửa biển Cửa Đại.
Tự bao đời qua, ngư dân trong làng có kế sinh nhai cũng nhờ lượng tôm cá trù phú ở con nước hợp lưu giữa sông và biển. Biển cả đã mang lại cơm ăn áo mặc cho bà con làng chài. Nhưng oái oăm thay, cũng chính biển sau những đợt cuộn trào sóng dữ đã “nuốt chửng” không ít nhà cửa, vườn tược được đánh đổi từ mồ hôi, công sức cần lao của bà con. Đêm đêm, họ nằm thao thức, chập chờn với nỗi lo sóng “nuốt” cả làng.
Tháng 10 năm ngoái, miền Trung mưa triền miên. Thời điểm trung tuần, tôi tìm về thôn Trung Phường - ngôi làng được người dân địa phương ví von là làng “chạy” sóng. Khi phóng xe chạy hết lối mòn dẫn ra bờ biển, tôi bắt gặp hình ảnh người đàn ông với gương mặt khắc khổ, mái tóc nhuốm màu muối tiêu, ngồi thất thần bên triền con sóng.
Hôm ấy, từng lớp sóng bạc đầu, hung tợn nối chân nhau vỗ xô vào bờ, quật trơ gốc hàng phi lao, dãy cọc tre cùng hàng trăm bao cát vốn mang nhiệm vụ chắn sóng. Mép nước chỉ còn cách ngôi nhà gần nhất chừng dăm ba bước chân.
Tròn một năm sau, cũng vào một ngày mưa nặng hạt, tôi trở lại Trung Phường. Một sự tình cờ như thể hữu duyên. Hôm nay, tôi lại thấy bóng dáng người đàn ông năm cũ đang ngồi thẫn thờ, nhìn về phía xa xăm - nơi mặt biển chẳng còn phẳng lặng. Ông là Trương Công Trực (68 tuổi, trú tổ 2, thôn Trung Phường). Và ngôi nhà tọa lạc sát rạt mép sóng ấy là chỗ tránh nắng che mưa suốt hàng chục năm qua của gia đình ông Trực.
Vẫn là gương mặt biểu lộ sự bất lực, vẫn là những tiếng thở dài hòa cùng âm thanh của sóng vỗ. Song, nỗi lo lắng thường trực trong tâm trí người đàn ông sắp chạm ngưỡng thất thập đã nhân lên gấp bội. Bởi lẽ, tiến trình xói lở đoạn bờ biển kéo dài cả cây số qua địa bàn thôn cứ mạnh dần theo thời gian.
Chỉ tay về phía ngôi nhà nằm chênh vênh trên bãi cát trắng phau, ông Trực cho hay, công trình này vốn dĩ là trạm dừng chân của khách du lịch. Chừng 10 năm trước, ngôi nhà còn cách triền con sóng lên tới 50 mét. Nào ngờ, cứ sau mỗi đợt mưa bão, nước biển lại tiến vào bờ thêm vài mét.
“Đến năm 2022, chính xác là do ảnh hưởng của cơn bão Noru, từng đợt sóng cao 4-5 mét liên tục công phá bờ cát. Lúc này, ngôi nhà bị nhấn chìm giữa biển nước mênh mông. Từ đó đến nay, nó rơi vào tình trạng bỏ hoang và liên tục bị bủa vây bởi sóng nước vào mùa biển động” - ông Trực nói về “số phận” của cơ ngơi từng là trạm dừng chân thu hút đông đúc khách du lịch. Để rồi, khi gióng ánh mắt nhìn phía nhà mình, người đàn ông một đời gắn bó với làng chài nhỏ bé nơi cuối sông, đầu biển này lại buông lời ca thán.
Được dựng xây từ 30 năm trước, căn nhà cấp 4 của vợ chồng ông Trực nay đã ở trong trạng thái rệu rã chờ… sập. Sau nhiều năm chống chọi với thiên tai, bốn bức tường đã xuất hiện những vết nứt chằng chịt.
Ông Trực tâm sự, thời gian qua, dù có tiền trong túi, vợ chồng ông cũng không dám cất lại nhà mới. Bởi ông bà đang mang mối lo phập phồng, rằng lỡ xây nhà mới lên mà sóng biển tiếp tục “ngoạm” sâu vào bờ, quật sập nhà cửa thì coi như “công Dã Tràng”.
Lắng lo của hai vợ chồng già rõ ràng có cơ sở. Bởi mấy chục năm bám trụ ở đây, ông Trực và vợ đã chứng kiến không biết bao nhiêu bận người khăn gói rời làng mà đi.
Nhắc đến đây, ông Trực chia sẻ: “Hơn 10 năm trước, ngoài đoạn nước biển cách bờ hiện chừ hàng trăm mét là khu dân cư với chừng 7-8 hộ dân sinh sống. Tôi còn nhớ như in, khu ấy còn có cả sân bóng. Ấy vậy mà khoảng độ năm 2013, khi bờ biển thôn Trung Phường bộc lộ dấu hiệu xói lở nặng, nhà cửa, vườn tược của nhóm hộ này đã vĩnh viễn chìm trong nước biển. Họ dắt díu nhau tìm đến vùng đất mới để an cư và lâu nay không thấy về đây nữa”.
Mấy hôm nay, khi trời trút mưa to, sóng cũng thôi dịu êm, gia đình bà Nguyễn Thị Vân (66 tuổi, cách nhà ông Trực khoảng 30 mét) lại canh cánh với mối lo “chạy” sóng.
Trong gian nhà thấp tẹt, tối om với bức tường còn sơn dang dở, bà Vân sống cùng người con trai đầu chưa vợ, năm nay đã bước sang tuổi 40. Bà Vân tâm sự, ngôi nhà này được hai mẹ con chắt chiu dành dụm suốt thời gian dài để dựng lên hồi năm 2019. Trước đó, cả gia đình cư trú ở ngôi nhà nằm sát bờ biển.
Dẫn lối chúng tôi ra ngôi nhà nay đã bỏ hoang vì sạt lở, bà Vân cho hay, đây từng là chỗ tránh nắng che mưa của gia đình suốt quãng thời gian từ năm 1988 đến 2019.
“Tôi vẫn nhớ mồn một, vào cái đêm mưa gió tơi bời do ảnh hưởng của cơn bão hồi tháng 11/2019, sóng biển bất ngờ cuộn trào, chẳng mấy chốc ập vào nhà. Ngay trong đêm, hai mẹ con dìu nhau lội qua dòng nước dữ để tháo chạy. Kể từ đó, chúng tôi chẳng ai dám cư ngụ trong ngôi nhà mà quanh năm suốt tháng bị đặt trong tình trạng báo động về sạt lở” - bà Vân nói rồi bày tỏ nỗi niềm trăn trở.
Theo bà, mặc dù đã chuyển sang chỗ ở mới nhưng ngôi nhà hiện tại của mẹ con bà vẫn nằm trong khu vực nguy hiểm, đe dọa bởi sạt lở. 5 năm qua, anh Nguyễn Sen (con trai bà Vân) đã không còn vươn khơi với những chuyến khai thác hải sản xa bờ, kéo dài hàng tháng trời nữa. Thay vào đó, anh chỉ quanh quẩn cùng bạn thuyền đánh bắt ở khu vực gần bờ để chủ động ứng phó với mưa bão.
Anh Sen bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng chài Trung Phường nên đã quá quen với cảnh “chạy” sóng. Đêm nằm ngủ mà cứ chập chờn nỗi lo sóng nuốt chửng nhà cửa, làng mạc. Hầu như năm nào vào mùa mưa bão, tôi và mẹ cũng đi sơ tán. Cứ nghe đài báo bão là hai mẹ con sắp xếp sẵn quần áo, nhận thông báo sơ tán là lập tức rời nhà mà đi. Đó là lý do tôi chấp nhận từ bỏ nghề đánh bắt xa bờ để ở gần lo cho mẹ, đặc biệt là những hôm bão gió”.
Còn nhớ tháng 9 năm ngoái, biển động kéo dài nhiều ngày. Sóng biển lớn đã “ngoạm” bật gốc hàng phi lao, áp sát vách nhà ông Trực. Liền lập tức, một phương án chống sạt lở cấp bách đã được người dân vạch ra. Chỉ chờ biển êm, bà con tổ 1 và tổ 2 (thôn Trung Phường) đã cùng nhau hùn tiền mua hàng trăm cây tre và bao cát.
Cũng chính họ đã xắn tay áo, hợp sức đóng cọc tre kết hợp gia cố bao cát ven bờ nhằm hạn chế sức công phá của sóng biển. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Và thực tế đã chứng minh, giải pháp mang tính tạm thời ấy rõ ràng đã không mang lại tính bền vững. Minh chứng, chỉ qua một đợt mưa bão hồi tháng 10 cùng năm, phần lớn các cọc tre đã bị sóng dữ xô ngã, còn hàng trăm bao cát loại lớn cũng bị xé toạc rồi trôi nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Vậy là muôn vàn mồ hôi, công sức và cả tiền bạc của bà con trong làng coi như “đổ sông, đổ biển”.
Năm nay, khi thời gian đã điểm mùa mưa bão, làng “chạy” sóng lại đối mặt với mối lo sạt lở đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Song, có lẽ nỗi lo bây chừ đã vơi bớt đi phần nào.
Dọc bờ biển 2 tháng qua đã “mọc” lên dãy kè cứng bằng bê tông cốt thép. Dẫu cho, đây lại một lần nữa chỉ là phương án gia cố bờ biển cấp bách, mang tính tạm thời.
Sạt lở bờ biển kéo dài suốt hơn 1 thập kỷ qua không chỉ là mối lo của người dân làng Trung Phường, mà nó còn là “bài toán” nan giải khiến chính quyền địa phương hết sức đau đầu.
Chủ tịch UBND xã Duy Hải Trần Văn Siêm thông tin, đến thời điểm hiện tại, 18 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm của sạt lở đã đồng ý chuyển đến khu tái định cư. Còn lại 14 hộ dân với 57 nhân khẩu vẫn đang tiếp tục bám trụ cư ngụ ở khu đất ven bờ biển sạt lở.
Theo ông Siêm, sở dĩ các hộ này vẫn kiên quyết không chịu di dời xuất phát từ nguyên nhân họ không chấp nhận mức hỗ trợ 1 lô tái định cư kèm số tiền 20 triệu đồng. Bởi lẽ, nếu chuyển về khu tái định cư, họ không đủ khả năng tài chính để dựng xây nhà mới.
Trả lời câu hỏi chất chứa thắc mắc của chúng tôi rằng tại sao chính quyền địa phương không đầu tư xây dựng bờ kè kiên cố để người dân an cư, vị lãnh đạo xã Duy Hải giãi bày, đã nhiều lần kiến nghị cấp trên bố trí vốn triển khai dự án bảo vệ bờ biển, nhưng đến nay vẫn gói gọn trong 2 chữ đợi chờ.
Một mùa mưa bão nữa lại về, hàng chục hộ dân làng chài Trung Phường lại sẵn sàng tâm thế cho những ngày liên miên “chạy” sóng. Năm nay, dẫu kè có kết cấu xi măng, cốt thép đã dựng lên sừng sững, song chẳng ai dám chắc là giải pháp thi công do chính người dân tự bỏ tiền làm sẽ cản bước được những cơn sóng bạc đầu.
Đặt giả thiết, nếu lỡ bờ kè này lại bị công phá như những cọc tre, bao cát yếu ớt, liệu rằng làng “chạy” sóng có đứng trước nguy cơ “xóa sổ” ? Ắt hẳn, viễn cảnh tồi tệ nhất này đâu đó đã thoáng qua trong suy nghĩ của bà con một đời gắn bó với biển cả.