Tối 29 tháng Chạp, trong tiết trời se lạnh, khu vực bán hoa, cây cảnh tại đường Nguyễn Tất Thành và Lê Duẩn, Tp. Quy Nhơn (Bình Định) những chậu cúc vàng, đào, quất, mai vẫn còn ê hề. Theo các tiểu thương, dù đã đại hạ giá nhưng khách phần lớn tới hỏi han, ngắm nghía rồi...về.
"Nhiều người cho rằng đi mua hoa sớm sẽ bị hét giá cao nên họ tới khảo giá rồi bảo nhau chờ tới lúc sắp tan chợ, tới trưa 30 Tết mới ra mua cho "được" giá. Cả tuần nay tôi phải thức đêm hôm, ăn trực nằm chờ giữa trời rét mướt để bán hoa, mong kiếm chút tiền, nhưng vài ngày nay khách đến xem thì nhiều mà mua thì ít. Nhà có hơn 300 chậu cúc mà nay 29 Tết rồi mới bán được phân nửa", một tiểu thương buồn bã nói.
Như những nông dân khác ở vùng ven đô, ông Hoàng Trung (Chợ Dinh, Tp Quy Nhơn) đã đưa 500 chậu cúc đại đóa của vườn nhà về chợ hoa xuân trên đường Lê Duẩn để bán, nhưng cả tuần nay mới tiêu thụ được 300 chậu. Ngày mai bán không hết thì coi như nhà ông mất Tết.
Đêm dần buông, nhiều tiểu thương vẫn gắng gượng ngồi trông ngóng khách.
"Cha con tôi cũng muốn về nhà đón Tết sớm nhưng giờ hoa còn nhiều. Những chậu cúc trước đó bán 700-800 nghìn đồng nay phải hạ xuống 500-600 nghìn để thu hồi vốn nhưng vẫn ế ẩm. Dù đã dự đoán năm nay mức tiêu thụ hoa sẽ thấp do kinh tế khó khăn, nhưng không thể ngờ được tình hình lại bi đát đến vậy. Chắc sang năm phải chuyển hướng khác". anh Hữu Quang (huyện Tuy Phước, Bình Định) chia sẻ.
Tại chợ hoa trung tâm Tp Tuy Hòa, Phú Yên, tình trạng cũng không khá hơn. Mặc dù tiểu thương đã treo bảng giảm giá nhưng lượng khách vẫn thưa thớt.
Một số tiểu thương đành cắt những cây cúc trong chậu thành từng bó hoa để bán bù lỗ.
Trong khi người người gác lại mọi lo toan để về sum vầy, đón năm mới bên gia đình, thì những người trồng hoa, bán hoa lại đang chất chồng… lo.
Người trồng hoa quanh năm vất vả, chăm sóc tỉ mỉ, đến khi cuối năm họ chấp nhận đứng giữa trời mưa rét, đêm ngủ co ro trong bạt để mang hoa lên phố mong bán cho được giá, có thêm chút tiền tiêu Tết, nhưng cuối cùng lại đối mặt với nguy cơ thua lỗ.