Hôm 9/11, Boswana ghi nhận các ca COVID-19 đầu tiên nhiễm biến thể mới. Các ca bệnh này đều là những người đã tiêm vaccine.
Khoảng 2 tuần sau đó, thông tin về biến thể mới xuất hiện dày đặc trên mặt báo thế giới. Các nhà khoa học mô tả đây là “biến thể tồi tệ nhất của virus SARS-CoV-2 từng được biết cho đến nay” và lo ngại nó sẽ nhanh chóng lan rộng.
WHO lập tức họp khẩn để tìm cách đối phó biến chủng mà họ mới đặt tên là Omicron và xếp vào nhóm "đáng lo ngại". Các biến chủng đáng lo ngại có thể lây lan nhanh chóng, gây bệnh nặng, làm giảm hiệu quả vaccine hoặc các phương pháp điều trị.
Phiên bản nguy hiểm nhất từ trước tới nay
Các quan chức của WHO thừa nhận sẽ phải mất nhiều tuần để đánh giá về mức độ lây lan, độ né vaccine của biến chủng mới cũng như xem xét các phương pháp điều trị hiện tại có thể chế ngự virus hay không.
Tuy nhiên, chia sẻ trên Twitter mới đây, Tiến sĩ Eric Feigl-Ding - nhà dịch tễ học và là thành viên cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) - cho biết Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn 500% so với biến thể Delta.
Omicron dễ lây lan gấp 5 lần so với Delta. (Ảnh: AP)
"Đây là chỉ số kinh ngạc nhất từ trước đến nay. Sự xuất hiện của biến thể mới này đã gây ra sự chấn động trên toàn thế giới. Nó thực sự tồi tệ”, ông Feigl-Ding cho hay.
Điều nguy hiểm ở Omicron là nó ít nhất 32 đột biến ở protein gai - thành phần giúp virus bám vào tế bào cơ thể. Điều này khiến nó dễ lây lan và né vaccine. Omicron cũng được cho là sở hữu các đột biến nguy hiểm nhất của tất cả các biến thể từ trước tới nay.
Tom Peacock, chuyên gia tại Cục Bệnh truyền nhiễm Hoàng gia Anh, nhận định "đây là cụm đột biến với lượng protein gai thực sự khủng khiếp".
"Biến chủng mới này của virus SARS-CoV-2 rất đáng lo ngại. Đây là phiên bản virus đột biến nguy hiểm nhất mà chúng tôi từng thấy", Lawrence Young, nhà virus học tại Đại học Warwick của Anh cảnh báo.
Ngoài Bostwana, Omicron hiện lây lan tới Bỉ, Hong Kong (Trung Quốc), Nam Phi, Israel. Mới đây nhất, 15 trong số 110 người bay về từ Nam Phi - điểm nóng của biến chủng Omicron - cho kết quả dương tính với COVID-19 tại sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam, Hà Lan.
Dù chưa ghi nhận ca mắc Omicron nào, nhưng các chuyên gia Mỹ thừa nhận nước này không thể ngăn Omicron xâm nhập vào Mỹ và thậm chí siêu biến chủng có thể đã ở Mỹ.
Thành tựu chống dịch nguy cơ đổ vỡ
Sự nguy hiểm của Omicron khiến các nhà khoa học lo ngại nó có thể xóa sạch các thành tựu tiêm chủng mà thế giới đạt được trong chưa đầy 1 năm qua và đưa cuộc chiến chống dịch về vạch xuất phát.
Một số chuyên gia cho rằng cần cảnh giác cao độ để Omicron không dập khuôn lại kịch bản của Delta.
Được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, biến thể Delta lây lan với tốc độ khủng khiếp và phá bỏ công lao chống dịch của hàng loạt các quốc gia. Nó đang nhấn chìm châu Âu trong làn dịch thứ 4 chết chóc, khiến số ca nhiễm ở Bắc Mỹ tăng vọt bất chấp tỷ lệ tiêm chủng cao ở các khu vực này. Delta cũng là nguyên nhân khiến nhiều nước phải từ bỏ chiến dịch "Không COVID-19" từng đã rất thành công.
Các nhà khoa học từng cảnh báo một siêu biến chủng nguy hiểm hơn, chết chóc hơn Delta sẽ sớm xuất hiện. Và nhiều chuyên gia cho rằng đó có thể là Omicron.
Omicron có thể sẽ đe dọa thành tựu chống dịch của thế giới. (Ảnh: Bloomberg)
Trên thực tế, một số các biến chủng lây lan nhanh và có thể né vaccine như Delta Plus hay Mu từng gây ra quan ngại. Nhưng hiếm có thể biến chủng nào khiến chuyên gia lập tức đưa ra các cảnh báo liên tục như Omicron.
Đây cũng là điểm khác biệt giữa Omicron và Delta.
Vào thời điểm Delta xuất hiện, nhiều quốc gia tỏ ra chủ quan khi chậm trễ ban hành các hạn chế đi lại.
Người dân Anh từng chỉ trích gay gắt chính quyền phản ứng chậm chạp trong việc đình chỉ các chuyến bay khi số ca nhiễm của nước này tăng vọt hồi tháng 6. Giới chức Mỹ cũng hứng không ít phàn nàn với lý do tương tự.
Nhưng với Omicron, chỉ vài ngày sau khi các ca nhiễm biến chủng này được thông báo, các nước đã đồng loạt dựng hàng rào phòng vệ để ngăn nó xâm nhập.
Mỹ và Canada đình chỉ các chuyến bay tới từ một số nước châu Phi. Philippines và một số quốc gia châu Âu như Anh, Áo, Czech, Đan Mạch, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha cũng có hành động tương tự.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 26/11 kêu gọi dừng tất cả liên kết không vận với các địa điểm đã phát hiện Omicron.
Brazil, Iran, Ai Cập mới đây thông báo đóng cửa biên giới với người tới từ một số quốc gia ở lục địa đen. Australia tuyên bố sẽ bắt đầu áp dụng cách ly 14 ngày khi nhập cảnh đối với công dân nước này cũng như người phụ thuộc họ trở về từ một trong 9 quốc gia miền Nam châu Phi.
Không chỉ các nước, các hãng dược cũng tuyên bố sẽ nhanh chóng cập nhật vaccine COVID-19 để đối phó với siêu biến chủng mới.
Giới khoa học hy vọng việc sớm đề cao cảnh giác với biến chủng mới có thể giúp các nước thoát khỏi thảm họa thậm có thể còn khủng khiếp hơn những gì Delta gây ra.