Tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ GTVT, Chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị xóa bỏ trạm thu phí (BOT) Cai Lậy (Tiền Giang).
Cụ thể, Chủ đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho rằng dự án đầu tư tuyến tránh Cai Lậy đang lâm cảnh khó khăn, gây rủi ro cho việc thu hồi vốn vì bị ngừng thu phí gần 2 năm.
Chủ đầu tư BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tỉnh Tiền Giang thống nhất với Bộ GTVT và nhà đầu tư chấp nhận chủ trương xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy.
Trạm thu phí Cai Lậy có thể sẽ bị xóa sổ sau gần 2 năm dừng hoạt động.
Đồng thời, tổ chức thu phí trở lại ở đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, giao ngân hàng tài trợ vốn cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án tuyến tránh Cai Lậy quản lý, sử dụng nguồn thu tại trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương để đảm bảo việc vay và xóa bỏ BOT Cai Lậy.
Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đề nghị Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ và Bộ GTVT cho đơn vị này hoặc giao cho Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang tổ chức thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đề xuất phương án tài chính hoàn vốn cho dự án BOT Cai Lậy.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ 1/8/2017. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu việc thu phí, trạm BOT này bị tài xế phản đối dữ dội. Đến 14/8/2017, dự án phải tạm dừng thu phí.
Sau đó, Bộ GTVT làm việc trực tiếp với tỉnh Tiền Giang và thống nhất phương án xử lý miễn giảm giá vé (giảm 30% cho toàn bộ phương tiện và miễn 50 - 100% cho 4 xã lân cận).
Đến 30/11/2017, BOT Cai Lậy hoạt động trở lại nhưng tiếp tục bị phản đối. Tại cuộc họp ngày 4/12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tạm dừng thu phí để nghiên cứu phương án xử lý. Đến nay, BOT Cai Lậy vẫn chưa thể hoạt động trở lại sau gần 2 năm tạm dừng.