Sở GTVT Hà Nội cùng với đơn vị tư vấn (Trường Đại học GTVT) vừa xây dựng xong phương án lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Đề án này đang khiến nhiều chuyên gia băn khoăn về tính khả thi.
Trả lời PV VTC News, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia nghiên cứu về giao thông cho biết, chủ trương thu phí ô tô vào nội đô để giảm ùn tắc đã có từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, chủ trương này nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được.
"Bây giờ Hà Nội muốn làm lại thì cần phải nghiên cứu, phải xem xét đầy đủ xem phù hợp với điều kiện thực tiễn hay không. Thứ nhất, giao thông công cộng phải đảm bảo, chất lượng phải tốt, tốc độ, thời gian đảm bảo, phải thu hút được người đi.
Thứ hai, phương tiện cá nhân hiện nay chiếm đến 90% nhu cầu đi lại, nếu chúng ta thu phí, hạn chế phương tiện cá nhân trong khi phương tiện công cộng chỉ chiếm khoảng 10%, vậy 80-90% người dân đi lại bằng gì?", ông Thủy đặt câu hỏi.
Đường phố ở Hà Nội ùn tắc trong giờ cao điểm. (Ảnh: VOV.VN)
Theo ông Thủy, chủ trương lập các trạm thu phí vào nội đô chỉ phù hợp khi phương tiện công cộng phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tức là diện tích giao thông phải chiếm 15-20%. Hiện nay diện tích giao thông chỉ chiếm 7-8% nên ùn tắc là đương nhiên.
"Hạ tầng chưa tốt mà đòi thu tiền, hạn chế phương tiện cá nhân là chưa nên làm", TS Nguyễn Xuân Thuỷ nêu quan điểm.
nguyen xuan thuy (1).jpg
Trong điều kiện như vậy chúng ta lập trạm thu tiền của người dân thì rất vô lý
TS Nguyễn Xuân Thủy
Dẫn chứng về hạ tầng giao thông công cộng ở Hà Nội còn yếu, ông Thuỷ chỉ ra tuyến Cát Linh – Hà Đông chục năm vẫn chưa xong; xe buýt BRT bị người dân kêu ca chiếm lòng đường, gây thêm ùn tắc; xe buýt chất lượng kém, xập xệ, tổ chức mạng lưới chưa hợp lý, hay đi chậm giờ, không phù hợp với nhu cầu đi lại... Hệ thống giao thông công cộng yếu kém khiến người dân chưa mặn mà, vì vậy họ phải dùng phương tiện cá nhân.
TS Nguyễn Xuân Thuỷ cũng cho rằng, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên không phải chỉ do người dân mà quan trọng là từ hạ tầng giao thông công cộng yếu kém, lạc hậu. Vì vậy chủ trương lập chốt thu tiền là chưa hợp thời và cũng không nên thực hiện.
"Hệ thống giao thông công cộng và hạ tầng của chúng đang yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân thì chưa nên cấm người dân đi phương tiện cá nhân. Phương tiện cá nhân vẫn là phương tiện đi lại chính của người dân, là cần câu cơm của người dân hiện nay.
Nếu trong điều kiện như vậy chúng ta lập trạm thu tiền của người dân thì rất vô lý vì người dân không có tội gì cả mà thu tiền người ta. Thu tiền nghĩa là phạt mà người dân không có lý do gì để bị phạt cả", chuyên gia giao thông nêu quan điểm.
Nói về tính khả thi của đề án, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh chủ trương được duyệt hay không là ở chỗ có hợp lòng dân hay không. Người nào ký quyết định sẽ phải chịu trách nhiệm, trước hết là chịu trách nhiệm về tác hại của nó đối với cuộc sống người dân. "Chủ trương thu phí vào nội đô không dễ thông qua đâu", ông Thuỷ nhận định.
Không đồng tình với chủ trương thu phí phương tiện vào nội đô trong thời điểm hiện nay nhưng TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng vài chục năm sau Hà Nội có thể thực hiện việc thu phí và chỉ nên làm trong giờ cao điểm. Lúc đó khoảng 40-50% người dân đi phương tiện công cộng thì mới hạn chế phương tiện cá nhân bằng phương pháp thu tiền. Vị chuyên gia này cho rằng hiện nay Hà Nội chưa nên thu phí phương tiện vào nội đô.
Trong dự thảo Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, đơn vị tư vấn đưa ra 87 vị trí để lập trạm thu phí xe vào nội đô.
Hầu hết các vị trí đưa ra để lập trạm thu phí này nằm ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường Vành đai 3 đã được khép kín, bao gồm các tuyến đường, cầu đã được cơ quan tư vấn lên danh sách: Vành đai 3 (dưới thấp) - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.
Trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành. Trong đó có các vị trí như: Nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, cầu Đông Trù, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì…
Thời gian mà đơn vị tư vấn đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, khung giờ từ 5 đến 21h, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.