Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đề xuất cụ thể việc thu phí (ăn, ở…) của những người cách ly.
Đề xuất trên thu hút được sự quan tâm của dư luận, nhiều người đồng ý với chủ trương của Chính phủ. Người dân cho rằng công tác phòng chống dịch còn cả chặng đường dài, tốn kém nhiều chi phí, nên những người ở khu cách ly tập trung cần chung sức đồng hành cùng Nhà nước.
Trả lời VTC News, chị Nguyễn Thị Hương (trú tại Ba Đình, Hà Nội) - phụ huynh có con gái là du học sinh tại New York, Mỹ đang được cách ly tập trung tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị hoàn toàn đồng ý việc thu chi phí ăn, ở tại khu cách ly.
Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp có thể phục vụ khoảng 2.000 người tập trung cách ly.
“Tôi hoàn toàn đồng ý về việc đóng phí ăn, ở cho cô con gái đang ở khu cách ly tập trung. Bởi vì, cuộc chiến chống dịch ở nước ta còn rất dài và tốn kém nhiều chi phí. Nếu nhà tôi có điều kiện cho con gái đi ăn học ở nước ngoài, thì việc đóng phí là điều hoàn toàn có thể”, chị Hương nói.
Theo vị phụ huynh này, Việt Nam là nước đang triển khai rất tốt trong việc dập dịch Covid-19 và điều trị tốt hơn ở các nước khác, dân và Đảng đang rất đồng lòng. Bởi vậy, khi cô con gái về nước chị rất yên tâm.
Chị Hương kể lại, khi con gái chị từ Mỹ về sân bay Nội Bài và đến nơi cách ly đều được các lực lượng chức năng chuẩn bị, phục vụ chu đáo.
“Tôi thấy các khâu tiếp đón, phục vụ của lực lượng chức năng là khá chuẩn chỉnh, nhất là thái độ phục vụ rất tốt”, chị Hương chia sẻ.
Đồng quan điểm với chị Hương, chị Nguyễn Thanh Hà (42 tuổi, trú tại Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) – phụ huynh có con ở khu cách ly tập trung nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, cho rằng, việc đóng phí ở khu cách ly là điều nên làm, bởi những người cho con đi du học đều là những người có điều kiện.
Chị Hà tiếp tế đồ ăn cho cô con gái ở khu cách ly tập trung
“Những người có con đi học ở nước ngoài đều tốn kém rất nhiều, họ chả có lý gì để xin miễn phí tiền ăn, ở cả. Bản thân tôi cũng muốn đóng góp bởi các lực lượng chức năng, Nhà nước đều vất vả, vì vậy, tôi vui vẻ sẵn sàng muốn đỡ gánh nặng cho Chính phủ”, chị Hà chia sẻ.
Theo chị Hà, đối với những trường hợp lao động Việt Nam ở nước ngoài về nước thì việc đóng chi phí ăn ở tại khu cách ly tập trung là điều không quá khó.
Nhìn nhận về việc dư luận phản ánh việc những người ở nước ngoài về Việt Nam tránh dịch, làm gánh nặng cho nhiều người, bản thân chị Hà cho rằng, bản thân những người như chị là cha, là mẹ thì đều lo lắng cho con cái nên ai cũng muốn cho con về nước để an toàn.
Trong khi đó, chị Lan (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, việc thu phí ăn, ở tại khu cách ly là biện pháp nhằm giảm tải gánh nặng kinh tế lên Chính phủ, Nhà nước. Để từ đây, chúng ta có nguồn lực chi viện cho những hoạt động phòng chống dịch Covid-19.
"Theo tôi, chúng ta có thể thu phí theo phân loại nhóm. Đối với nhóm F1 (người Việt từ nước ngoài trở về nước) là nhóm có số lượng đông nhất nên áp dụng mức thu phí, bởi số lượng người về mỗi ngày lên đến hàng nghìn người. Còn với nhóm F2 là những người tiếp xúc trực tiếp với F1, nhưng họ không biết mình nói chuyện với người nhiễm bệnh nên nhóm này có thể được hỗ trợ phần nào chi phí. Nhóm F3 là những người tiếp xúc với F2 thì được cách ly tại nhà thì nên hỗ trợ", chị Lan chia sẻ.
Hiện tại, chị Hà, chị Hương hay những người khác cũng thể hiện bằng những hành động thiết thực như nhắn tin ủng hộ qua điện thoại, tham gia các hoạt động tặng nước rửa tay, xà phòng để ủng hộ cuộc chiến chống Covid-19.
Clip: Người dân Trúc Bạch lạc quan sau cách ly