Sáng 10/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá về đánh giá tình hình trong 6 tháng đầu năm và phương hướng điều hành những tháng còn lại của năm 2018.
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng cho biết, đối với việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sắp tới trình lên Ủy ban TVQH họp dự kiến tăng kịch trần lên 4.000 đồng/lít, Bộ Công Thương đề xuất chưa nên tăng thuế này và nếu có thì nên tăng theo lộ trình cụ thể.
“Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường thì nên tăng theo lộ trình, với lần đầu tăng khoảng 500 đồng/lít thay vì tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng”, Thứ trưởng cho hay.
Trước kiến nghị của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng đồng tình với phương án chia giai đoạn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tăng cường sử dụng Quỹ bình ổn để giảm giá xăng, hoặc có thể ngừng trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu trong một thời gian để góp phần giảm giá xăng dầu; giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án giảm thuế đối với nhiên liệu sinh học.
Trước đó, theo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít... Số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 57.312 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.684 tỷ đồng/năm.
Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, tuỳ loại.
Cụ thể, đối với than đá, mức tăng dự kiến thêm 5.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn. Tổng số thu mà Bộ Tài chính nhẩm tính sau khi tăng thuế đối với mặt hàng này sẽ vào khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.
Theo Bộ Tài chính, lý do tăng mức thuế môi trường kịch khung là do thuế nhập khẩu giảm mạnh, đồng thời giúp tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Cũng theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu ở Việt Nam hiện nay vẫn còn ở mức rẻ. Đề xuất này của Bộ Tài chính cũng nhận được sự tán thành từ phía các cơ quan bộ, ngành.