Sáng nay 16/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng 63.725 tỷ đồng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 bố trí cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công.
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn dự kiến phân bổ cho 5 ngành, lĩnh vực: Quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, khoa học công nghệ và giao thông.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Quốc hội)
Trong đó, lĩnh vực giao thông được phân bổ 57.735 tỷ đồng cho 32 dự án để tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; phấn đấu hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Theo Bộ trưởng Tài chính, trong 50 nhiệm vụ, dự án có 33 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn với số vốn hơn 33.156 tỷ đồng. 17 dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, hồ sơ đề nghị phân cấp làm cơ quan chủ quản theo Nghị quyết của Quốc hội.
Còn lại 30.568 tỷ đồng dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho từng dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Chính phủ cũng đề xuất cơ chế, chính sách cho các dự án, trong đó có giao kế hoạch hằng năm cho các dự án.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra thống nhất trình Quốc hội cho phép sử dụng với 63.725 tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh.
Việc Chính phủ trình là phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội.
Về danh mục các nhiệm vụ, dự án, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, trong 33 nhiệm vụ, dự án dự kiến bố trí vốn đã có trong danh mục dự án được Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị khi đề xuất sử dụng nguồn tăng thu Ngân sách Trung ương năm 2022.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, việc xác định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn của một số dự án còn thiếu tính chắc chắc.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm về số liệu trình Quốc hội; đồng thời, giải trình rõ về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để đảm bảo trách nhiệm bố trí phần vốn ngân sách Trung ương còn thiếu của các dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Còn 17 dự án dự kiến bố trí đã có trong danh mục dự án được Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát, đảm bảo thủ tục đầu tư, đảm bảo bố trí nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo đúng quy định của pháp luật.
Trong 17 dự trên, có dự án có tổng mức vốn thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Vì vậy, Chính phủ cần hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
Ông Mạnh cũng cho biết, với vốn hơn 30.568 tỷ đồng dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí trình Quốc hội chủ trương giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khi đủ thủ tục đầu tư.
Trường hợp cấp bách, giữa 2 kỳ họp Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.