Nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia nhiều hơn vào thị trường bán lẻ xăng dầu nhưng không được sở hữu quá 35% vốn. Điểm mới này được nêu tại dự thảo Nghị định 83 sửa đổi, bổ sung về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ.
Thực tế hiện nay, Idemitsu Q8 là nhà đầu tư ngoại duy nhất được cấp phép gia nhập thị trường bán lẻ xăng dầu. Ngoài ra, tại một số doanh nghiệp như Petrolimex, PVOil, tỷ lệ vốn ngoại hiện là 20% và 35%. Tuy nhiên, các trường hợp này, để được tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam, theo quy định trước đây, đều cần sự đồng ý, phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Như vậy, theo Dự thảo nghị định sửa đổi, ngoài các trường hợp được Thủ tướng phê duyệt, thương nhân có hoạt động đầu tư, sản xuất xăng dầu cũng được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng tỷ lệ không quá 35% vốn.
Lý giải rõ hơn, Bộ Công Thương - đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo nghị định cho rằng, thực tế sau quá trình cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đã là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia sâu hơn vào thị trường bán lẻ xăng dầu lúc này, theo Bộ Công Thương, là phù hợp và "đã tính toán rất kỹ".
Bởi năm 2007 khi gia nhập WTO, Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu để doanh nghiệp trong nước có cơ hội lớn mạnh, xây dựng cơ sở vật chất và trấn giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu trong nước.
Sau 13 năm, Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư vào hầu hết lĩnh vực quan trọng như điện, dầu khí, hàng không... Doanh nghiệp xăng dầu trong nước đã có hệ thống phân phối rộng khắp, và có nhu cầu cần thêm nhiều hơn nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, chế biến... để chủ động nguồn cung trong nước.
Về tỷ lệ nhà đầu tư ngoại chỉ được sở hữu 35% vốn, theo cơ quan này, nhằm đảm bảo họ không được quyền phủ quyết các vấn đề trong điều hành hoạt động doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ này đủ giúp doanh nghiệp trong nước vừa có vốn, có công nghệ, nâng cao quản trị...
Ngoài "nới cửa" cho nhà đầu tư ngoại, dự thảo nghị định cũng đưa ra 2 phương án về thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Phương án 1, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh là 10 ngày và phương án 2 là 15 ngày.
Ở cả hai kịch bản đưa ra, nếu giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó trong khoảng 7-10%, ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể.
Dự thảo nghị định cũng tính tới việc cho phép áp dụng thí điểm các máy bán xăng dầu mini đã được kiểm định tại vùng sâu, vùng xa để bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Nghị định 83 cũng sửa cách tính giá cơ sở xăng dầu dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ nguồn trong nước và nhập khẩu, khi cơ cấu nguồn hiện đã thay đổi với tỷ lệ xăng dầu sản xuất trong nước trên 80%. Do đó, công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn trong nước và nhập khẩu và các mức thuế, phí nhập khẩu, trong nước... để đưa vào công thức tính giá. Giá này sẽ là cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ trong nước.