Trước tình hình dịch Covid-19 tác động lớn đến các hoạt động của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội (LĐ-TB-XH) có đề xuất gửi Thủ tướng tháo gỡ những khó khăn.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết, hầu hết các hoạt động tư vấn, tuyển sinh của các trường nghề nghiệp, đều bị gián đoạn, khiến việc tuyển sinh của các trường nghề đang gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, do điều kiện cơ sở vật chất của một số trường, năng lực giáo viên còn hạn chế dẫn đến việc tổ chức đào tạo trực tuyến chưa có kế hoạch bài bản, chưa chuẩn bị chu đáo. Chất lượng đào tạo có nguy cơ bị ảnh hưởng vì thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Bộ lo ngại việc tuyển sinh khó đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đầu năm và ảnh hưởng đến chỉ tiêu phân luồng như Chính phủ đặt ra, nhiều khả năng dẫn tới tình trạng tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm sẽ bị ảnh hưởng.
Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Thủ tướng xem xét tháo gỡ những vướng mắc cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: Hoàng Mạnh).
Bên cạnh đó, tình hình nghỉ học kéo dài cũng làm xuất hiện hiện tượng học sinh, sinh viên trường nghề đợi chờ lâu, phải bỏ học đi làm việc để kiếm sống. Do vậy, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Chính phủ miễn, giảm 100% học phí đối với học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình có người bị nhiễm dịch Covid-19; giảm 15-20% học phí trong năm 2020 cho toàn bộ học sinh các trường nghề.
Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ đề xuất miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019, miễn các khoản thuế phát sinh trong 6 tháng đầu năm đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong 6 tháng đầu năm.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập được đề xuất nhận gói hỗ trợ tín dụng cho vay lãi suất 0% để chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác.
Ngày 18/3, Bộ GD&ĐT cũng gửi kiến nghị Thủ tướng một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục.
Một là, xin miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý 1 và 2 năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập.
Hai là, Bộ đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan xem xét miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý 1 và 2 năm 2020.
Ba là, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên (chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác). Qua đó, nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục.
Bốn là, Bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các nhà mạng, đài phát thanh, truyền hình có chính sách hỗ trợ (miễn phí, giảm giá) về đường truyền, phần mềm kết nối phát miễn phí cho toàn bộ các cơ sở giáo dục để tổ chức dạy, học trực tuyến.
Năm là, xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính hỗ trợ chi phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng đối với toàn bộ các cơ sở giáo dục để giảm các chi phí phát sinh trong công tác phòng, chống Covid-19. Mức hỗ trợ áp dụng trên đầu học sinh hiện có và theo số lượng phòng học/điểm trường theo phân cấp ngân sách.
Sáu là, kiến nghị Chính phủ em xét bổ sung nguồn vốn hỗ trợ các sở GD&ĐT tổ chức xây dựng bài giảng điện tử, trực tuyến dùng chung.
Ngoài những đề xuất cấp bách lần này, Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ sở giáo dục rà soát các khó khăn,vướng mắc, thiệt hại trong ngành giáo dục để tổng hợp, báo cáo với Chính phủ và kịp thời đề xuất các giải pháp.
Video: Thủ tướng hoan nghênh ngân hàng công bố gói 10 tỷ USD hỗ trợ mùa dịch