Trong phiên thảo luận tại nghị trường về công tác phòng cháy, chữa cháy vào chiều 13/11, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề xuất phải sửa Luật Xây dựng làm sao để các chung cư cao tầng, khách sạn không sử dụng tầng hầm là nơi đậu xe.
Theo ông Phương, tầng hầm chung cư, nhà cao tầng, khách sạn đang được dùng làm nơi để xe cho hàng nghìn người. Mỗi xe máy, ô tô có một bình xăng nên tầng hầm chứa xe thành "kho xăng dầu" và khi cháy thì không thể nào cứu chữa được.
"Nếu dùng nước dập thì xăng nổi lên trên và vẫn cháy, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản người dân", ông Phương nói.
Đại biểu phân tích, các nhà cao 50 - 70 tầng, khi cháy thì trụ chịu lực sẽ bị nóng, ảnh hưởng đến an toàn kết cấu, khó đảm bảo an toàn công trình về lâu dài. Do đó, ông đề nghị Quốc hội xem xét, sửa Luật Xây dựng để các khu chung cư phải xây bãi đỗ xe riêng chứ không để dưới tầng hầm.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương.
Ngay sau phát biểu của đại biểu Phương đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Theo đó, có ý kiến ủng hộ đề xuất này vì cho rằng, để xe dưới tầng hầm là quá nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, song cũng có không ít ý kiến bày tỏ không đồng tình bởi thực trạng các khu đô thị, thành phố lớn hiện nay quỹ đất hạn hẹp, nếu thực hiện theo đề xuất thì không biết để xe ở đâu.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ với báo chí để làm rõ hơn đề xuất của mình. Theo ông, để phòng chống cháy nổ, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền thì Chính phủ cần rà soát điều chỉnh một số yếu tố có nguy cơ gây cháy nổ và gây ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là đời sống sức khỏe người dân.
Trong đó, có việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng các khu chung cư, khách sạn cao tầng có khu dừng đỗ xe riêng, không cho đỗ xe dưới tầng hầm.
“Ý tôi muốn nói là trong tương lai, khi lập đề án xây dựng khu chung cư thì bắt buộc chủ đầu tư phải có quy hoạch để xây dựng khu đỗ xe riêng. Một số ý kiến nói rằng, nếu không để xe dưới tầng hầm thì không biết để ở đâu. Băn khoăn này là đúng. Nhưng tôi nghĩ nếu sau này có quy định thì chắc chắn sẽ thực hiện được, chỉ cần khi duyệt đề án, cơ quan quản lý yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện được việc này”, đại biểu đoàn Quảng Bình cho biết.
Theo ông, hiện nay doanh nghiệp thường tận dụng tầng hầm để làm nơi đỗ xe vì muốn tận dụng tối đa quỹ đất để sinh lợi. Nhưng nếu có quy định cụ thể, trở thành yêu cầu bắt buộc thì sau này các chủ đầu tư khi thực hiện xây dựng sẽ phải xây bãi đỗ xe riêng cho người dân. Đơn vị nào không thực hiện được thì sẽ không duyệt đề án cho xây dựng, không cho triển khai dự án.
Trước bối cảnh hiện nay khi các khu chung cư đều để xe ở dưới tầng hầm, ông Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, chủ đầu tư phải có giải pháp để xử lý, ngăn chặn cháy nổ xảy ra. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, vì sự an toàn của người dân.
ại biểu Nguyễn Quốc Bình. (Ảnh: Quochoi.vn)
Phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, sau này khi sửa đổi Luật về phòng cháy chữa cháy, trong phạm vi của mình, ông sẽ tiếp tục có tiếng nói, quyết tâm tranh luận để đưa ra được quy định không để xe dưới hầm chung cư để phòng cháy, nổ.
Cho rằng đề xuất của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương là không khả thi, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) nói, chung cư nào cũng phải có tầng hầm để xe vì đây là điều cần thiết tối thiểu, không thể tách rời các hộ dân được.
“Quy định đã rõ, tầng hầm phải để xe, nếu không thì để xe ở đâu? Việc để xe như vậy là hợp lý nhất, hợp pháp nhất”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, phòng cháy chữa cháy là cả một vấn đề, các nước trên thế giới cũng thiết kế để xe dưới tầng hầm và họ vẫn phòng cháy, chữa cháy an toàn.
“Các nước làm được, tại sao mình không làm được?", đại biểu đặt câu hỏi và cho rằng, yếu tố quan trọng ở đây là các phương tiện phòng cháy chữa cháy phải đảm bảo đủ điều kiện về quy mô, công nghệ.
Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) lại cho rằng, đề xuất trên rất hay và khả thi. Nếu khu chung cư hay trung tâm thương mại xảy ra cháy ở tầng hầm thì rất nguy hiểm, lửa ở tầng hầm có thể nung nóng toàn bộ trụ chịu lực của tòa nhà, ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu, gây nguy hiểm cho các cư dân sống ở tầng trên.
“Đề xuất trên dứt khoát phải nghiêm túc nghiên cứu, xem xét. Khi thiết kế nhà cao tầng, có thể thiết kế thang máy để chuyển ô tô, xe máy lên tầng cao nhất như ở các nước, vì khi xảy ra cháy thì không thể đổ toàn bộ tòa nhà được, còn để ở tầng hầm thì vô cùng nguy hiểm”, ông Bùi Văn Phương cho biết.