Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề xuất lùi giờ làm việc: 'Miền Nam nắng sớm mà để đến 8h30 thì không phù hợp'

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng miền Nam nắng sớm mà để đến 8h30 mới bắt đầu làm việc thì không phù hợp.

Đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30, nghỉ trưa 60 phút và kết thúc lúc 17h30 được nêu trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Trả lời PV VTC News, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng cần phải xem xét rất kỹ sự tác động của việc thay đổi giờ làm bởi việc mục tiêu lớn nhất của các cơ quan hành chính Nhà nước là phải phục vụ người dân.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

“Việc thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương cũng là điều tốt, tuy nhiên phải đánh giá tác động của nó.

Điều quan trọng nhất không phải là việc thống nhất trong hệ thống mà quan trọng nhất là cơ quan hành chính ở các địa phương phải phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp và phục vụ các tổ chức xã hội khác.

Do vậy, giờ làm việc của cơ quan hành chính phải phù hợp để phục vụ người dân cho tốt chứ không nên vì thống nhất trong hệ thống giữa cơ quan Trung ương với địa phương mà không chú ý đến tác động, ảnh hưởng với người dân. Chức năng chính của cơ quan hành chính là phải phục vụ cho dân", nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

 
Không vì thống nhất thời gian làm việc mà quên mục tiêu phục vụ.

Ông Phạm Minh Huân

Theo ông Huân, thực ra phương án thống nhất giờ làm trước đây cũng từng được đưa ra bàn bạc rất nhiều nhưng do có nhiều ý kiến nên sau đó đã giao các địa phương tự quy định, Chính phủ cũng quy định các cơ quan cho phù hợp, chỉ cần đảm bảo làm sao cơ quan hành chính phải làm việc đủ 8 giờ.

Một vấn đề nữa theo ông Huân đó là thay đổi giờ làm phải phù hợp với các vùng khí hậu khác nhau. Trong miền Nam nắng rất sớm mà để đến 8h30 thì cũng không hợp, ngược lại ở miền Bắc hay ở miền núi thì có thể sẽ lại phù hợp.

Ông Huân cho rằng phải đánh giá tác động và thấy rằng phương án nào hiệu quả thì làm chứ không phải chỉ vì thống nhất giờ làm mà lại quên những việc chính.

"Theo tôi phương án giờ làm như hiện hành là tương đối phù hợp. Cần phải xem lại ý kiến của các địa phương xem vấn đề chưa thống nhất giữa Trung ương và địa phương có gây cản trở lớn lắm không.

Tất nhiên là cũng có những cản trở nhất định nhưng so với phục vụ cho dân và phù hợp với thời giờ làm việc của đối tượng khác thì phải cân nhắc. Không vì thống nhất thời gian làm việc mà quên mục tiêu phục vụ", ông Huân bày tỏ.

203Bạn có đồng tình đề xuất thống nhất giờ làm các cơ quan hành chính Nhà nước bắt đầu từ 8h30?

Đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30 được nêu trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời VTC News, ông Tống Văn Băng – Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cho biết, cơ quan này cũng đang thăm dò, lấy ý kiến của công đoàn các khối trực thuộc trên tinh thần ý kiến phản biện từ người lao động.

Tuy nhiên, với tư cách cá nhân, ông Tống Văn Băng cho rằng, nên chia thành 2 khối để có thể áp dụng thời gian làm việc cho phù hợp hơn với từng đối tượng người lao động.

"Đối với khối cơ quan hành chính Nhà nước, là cơ quan phục vụ, cần giải quyết các thủ tục hành chính mà lại bắt đầu làm việc từ 8h30 thì sẽ bất tiện cho nhân dân, doanh nghiệp đến liên hệ công việc.

Hoặc đối với người dân từ ngoại thành, muốn vào nội thành, nội thị liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính rồi phải trở về quê sớm, trong khi 17h30 mới trả hồ sơ hành chính thì người dân trở về ngoại thành sẽ bất tiện vì trời tối.

Còn đối với khối doanh nghiệp thì có thể thực hiện như dự thảo, tuy nhiên cần vận dụng sao cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương", ông Băng nêu quan điểm.

Video: Đề xuất cán bộ công chức, viên chức chỉ được nghỉ trưa 1 tiếng

Trong khi đó, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, các nhà nghiên cứu khung giờ để đưa vào luật cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, người lao động và cả vấn đề phát triển đô thị, giao thông để có hiệu suất làm việc cao nhất.

Người đứng đầu Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, không nhất thiết phải theo khung giờ nhất định ở toàn quốc do đặc thù ở từng địa phương là khác nhau.

“Tất nhiên, bên cạnh đó, tôi rất chia sẻ với các đối tác làm ăn, các doanh nghiệp khi họ đến với từng địa phương thì họ không tiếp cận ngay được với khung giờ làm việc. Họ đến với các đơn vị hành chính công sẽ rất vất vả, bất tiện”, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương nói.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, không quan trọng việc làm khung giờ nào mà chỉ cần quan tâm đến trách nhiệm của người lao động và cán bộ công chức, viên chức với công việc của mình trong khung giờ 8 tiếng.

Trái ngược với những quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc thay đổi giờ làm việc hiện nay trong cả nước là vấn đề rất cần thiết, nên quy định giờ làm việc thống nhất chung trong cả nước. Việc này giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với liên bộ hướng dẫn là tốt nhất.

Tuy nhiên, theo ông Danh, nên thống nhất giờ làm việc bắt đầu vào lúc 8h sáng và kết thúc vào 17h chiều, buổi trưa nên nghỉ 1 tiếng là phù hợp.

* Bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội 

Thời gian làm việc như hiện tại là hợp lý

Thời gian làm việc của các khối cơ quan, đoàn thể vào buổi sáng là 8h, trưa là 13h và chiều kết thúc vào 17h. Tôi cho rằng, đề xuất giờ làm việc vào 8h30 thì sẽ hơi muộn. Hiện bộ phận một cửa, tiếp dân của Nhà nước hiện cũng vào lúc 8h và vẫn nên giữ như vậy.

Về thời gian nghỉ trưa, thì không có gì thay đổi vì hiện tại là nghỉ vào lúc 12h và làm việc là lúc 13h. Tuy nhiên việc kết thúc buổi làm việc vào 17h30 là hơi muộn. Bởi nhiều nữ công nhân, viên chức còn có thiên chức làm mẹ, họ còn phải lo toan các công việc gia đình như đón con, nội trợ.

Theo tôi, việc ấn định thời gian bắt đầu làm việc một ngày trong toàn quốc thì như hiện tại sẽ thuận lợi hơn, và trở thành ý thức của tất cả mọi người, nếu thay đổi sẽ xáo trộn.

Việc tăng năng suất lao động hay không phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của công nhân, viên chức. Bên cạnh đó là điều kiện làm việc, đánh giá của cấp trên nên không tùy thuộc vào thời gian làm việc sớm hay muộn. 

* Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An

Nên linh hoạt cho từng vùng miền

Quan điểm của tôi là nên linh hoạt cho từng vùng miền thì sẽ phù hợp hơn. Như ở Hà Nội hay thành phố lơn với mật độ dân cư đông đúc, giao thông thường xuyên tắc nghẽn thì việc điều chỉnh giờ như vậy cũng có thể là phù hợp.

Còn nếu áp dụng ở các huyện miền núi mà 8h30 mới làm việc thì không phù hợp lắm.

Xuân Trường - Minh Khang - Nguyễn Vương - Mạnh Đoàn - Trần Lộc - Phan Ấn

Tin mới