"Nên phân thẩm quyền chứng thực loại việc này cho UBND xã vì đây là cấp chính quyền cơ sở gần dân nhất, nắm rõ công dân nhất, thực hiện sẽ phù hợp và thuận lợi hơn", Vụ trưởng Hành chính tư pháp Nguyễn Công Khanh bày tỏ.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại hội nghị. |
Ông Nguyễn Công Khanh (Vụ trưởng Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp) cho biết: Nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân trong giao dịch và chuyên nghiệp hóa hoạt động công chứng và chứng thực, Luật Công chứng đã quy định chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND huyện, xã sang các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Việc chuyển giao này cũng tạo điều kiện cho cán bộ của UBND cấp huyện, cấp xã tập trung thực hiện công tác chứng thực và các nghiệp vụ chuyên môn khác.
Tuy nhiên, tại một số địa phương vùng xa, điều kiện kém phát triển, số lượng tổ chức hành nghề công chứng ít, chưa đủ đảm đương trách nhiệm này; việc chuyển giao chưa hợp lý, chưa đúng chủ trương dẫn đến việc người dân đi quá xa, đến vài chục cây số để thực hiện công chứng gây nên một số phản ứng trong nhân dân. Một số địa phương phải tạm dừng thực hiện chuyển giao hoặc thu hẹp địa bàn chuyển giao như: Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Khánh Hòa...
Ông Phạm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang nói: "Dân kêu nhiều quá! Với những tài sản trị giá lớn như nhà đất, người dân còn ráng lặn lội đi công chứng để an toàn pháp lý, nhưng mua bán chiếc xe máy cũ có 2-3 triệu đồng mà phải đi hàng chục kilomet để công chứng thì không ổn".
Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã linh động để người dân tùy ý lựa chọn hai hình thức: hoặc chứng thực mua bán xe tại UBND xã hoặc đến văn phòng công chứng, phòng công chứng công chứng hợp đồng. Quy định pháp luật hợp lý nhưng cũng phải hợp tình.
Dẫn chứng kinh nghiệm của địa phương trong giải quyết vấn đề này, ông Lê Tiến Hiếu (Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước) cho rằng chuyển giao chứng thực giao dịch sang công chứng phải có lộ trình phù hợp.
“Ở các thị xã Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành khá sầm uất có tổ chức hành nghề công chứng nên đã thực hiện việc chuyển giao. Còn các huyện Bù Đăng, Bù Đốp chưa phát triển tổ chức hành nghề công chứng nên chưa thể chuyển giao, khi nào đủ điều kiện thì Sở Tư pháp mới để chuyển giao, không thể để dân gặp khó”, ông Hiếu nói.
Theo ông Nguyễn Công Khanh, trên thực tế, những động sản như xe máy, tivi, điện thoại... là đối tượng giao dịch thường xuyên của người dân. Đây là loại giao dịch không phức tạp, tần suất giao dịch cao, nhân thân người tham gia giao dịch rõ ràng.
Việc yêu cầu người dân đến tổ chức công chứng (động sản trị giá trên 50 triệu đồng), UBND cấp huyện chứng thực (động sản trị giá dưới 50 triệu đồng) thực hiện hợp đồng, giao dịch vừa gây phiền hà, tốn kém cho người dân (tăng chi phí, thời gian đi lại, phí công chứng cao hơn lệ phí chứng thực), vừa không phù hợp tính chất của giao dịch.
“Nên chăng phân cấp thẩm quyền chứng thực loại việc này cho UBND cấp xã - cấp chính quyền cơ sở gần dân nhất, nắm rõ công dân nhất - thực hiện sẽ phù hợp và thuận lợi hơn cho người dân”, ông Khanh đề xuất.
Cũng theo ông Khanh, hiện nay một số loại việc ủy quyền đơn giản, không có thù lao, không làm chuyển dịch quyền sở hữu tài sản như ủy quyền lĩnh lương hưu, ủy quyền giải quyết các thủ tục hành chính, ủy quyền nhận bưu phẩm, bưu kiện... vẫn do tổ chức công chứng thực hiện theo hình thức hợp đồng ủy quyền.
“Xét thấy loại việc này tính chất đơn giản, cần gần như tức thời và gần với chính quyền cơ sở, theo chủ trương cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nên giao cho UBND cấp xã thực hiện theo hình thức chứng thực giấy ủy quyền”, ông Khanh nói.
Theo PLVN