Trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 5/3, Bộ Y tế đề xuất F0 không triệu chứng, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm trực tuyến, F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp.
Phù hợp thực tiễn
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế đề xuất cho những trường hợp F0, F1 đi làm trong thời gian thực hiện cách ly là hoàn toàn hợp lý với tình hình thực tiễn.
Việt Nam đang thực hiện nới lỏng các biện pháp quy định cách ly. Trong khi đó, F0 và F1 quá nhiều, gây hiện tượng quá tải, không có người làm việc. “Vì vậy, theo tôi, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc Bộ Y tế đề xuất cho F0, F1 được phép đi làm trong thời gian cách ly là hợp lý”, ông Phu nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM cũng chung quan điểm. Ông cho rằng đề xuất cho người mắc COVID-19 (F0) và nhóm tiếp xúc gần (F1) được phép đi làm trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Với số lượng F0 và F1 lớn như hiện nay, nếu vẫn quy định cách ly họ như cũ sẽ dẫn tới thiếu nhân lực làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp.
“Thống kê số ca COVID-19 những ngày gần đây khá lớn, kéo theo F1 cũng sẽ nhiều. Nếu cách ly như cũ sẽ không có người đi làm. Hiện biến chủng Omicron cũng chiếm ưu thế, đa phần các ca bệnh nhẹ hơn hoặc không có triệu chứng. Vì vậy, việc Bộ Y tế đề xuất cho F0, F1 đi làm vào thời điểm này là hợp lý”, BS Khanh nói.
Nới lỏng nhưng không thả lỏng
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tuy Bộ Y tế nới lỏng quy định về cách ly, làm việc đối với F0, F1 là đúng đắn, song không có nghĩa là công tác phòng, chống dịch bệnh buông xuôi hay thả lỏng, mà chuyển từ việc cấm đoán sang kiểm soát rủi ro.
“Bộ Y tế cho phép F0, F1 đi làm nhưng quyết định cuối cùng vẫn là các cơ quan, đơn vị hay xí nghiệp, địa phương. Nếu không thực hiện tốt trong phòng chống dịch bệnh khiến cả cơ quan nào đó trở thành F0 thì sẽ không có ai đi làm. Vì vậy, phải hiểu là chúng ta đang nới lỏng nhưng vẫn phải kiểm soát chứ không thả lỏng", ông Phu nói.
Chuyên gia này lưu ý với F0, F1 được cơ quan cho đi làm cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như tuân thủ tuyệt đối Thông điệp 5K. Việc này giúp giảm bớt sự lây nhiễm và tốc độ lây lan của virus trong cộng đồng. Ngoài ra, những trường hợp này cũng cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe thì phải xét nghiệm ngay để có biện phép điều trị, cách ly phù hợp.
Bộ Y tế đề xuất F0, F1 được phép đi làm. (Ảnh minh họa: Bộ Y tế)
Các cơ quan, xí nghiệp cần xây dựng phương án, kịch bản trong trường hợp cho F0, F1 đi làm và các bước xử lý khi phát hiện ca bệnh.Cần lên phương án người nào, làm việc gì và ở khu vực nào cho hợp lý để cơ quan vừa có nhân lực phục vụ sản xuất, vừa có thể phòng chống được dịch bệnh.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng nhận định, hiện biến chủng Omicron chiếm ưu thế và việc này không thể cản được nên chấp nhận sự lây lan. Tuy chủng Omicron gây triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn phải cho lây lan chậm chứ không ồ ạt, điều này dễ dẫn tới quá tải hệ thống y tế, khiến nhiều bệnh nhân tử vong và diễn tiến nặng. "Chấp nhận cho lây lan nhưng phải kiểm soát được”, ông Phu nói.
Theo BS Trương Hữu Khanh, để hạn chế lây nhiễm tại các cơ quan, xí nghiệp khi cho phép F0, F1 đi làm, thì việc quan trọng nhất vẫn là ý thức của những trường hợp này. Nếu thuộc diện được đi làm thì họ cần tự ý thức đeo khẩu trang, tuân thủ tuyệt đối Thông điệp 5K, không ăn chung, uống chung và hạn chế giao tiếp trực tiếp...
Ngoài ra, những khu vực bố trí cho F0, F1 làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp cũng phải thường xuyên lau dọn, khử khuẩn sạch sẽ sau mỗi ngày làm việc. Thực hiện điều đó mới hạn chế được nguy cơ lây lan trong môi trường cơ quan, đơn vị khi tổ chức cho F0, F1 đi làm
Trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 5/3, Bộ Y tế đề xuất, những trường hợp F0 không triệu chứng đang trong thời gian cách ly, nếu tự nguyện tham gia làm việc thì các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.
Ngoài ra, trường hợp này được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 với điều kiện phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.
Tuy nhiên, F0 được bố trí công việc tại các cơ sở điều trị COVID-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2. Đặc biệt, những trường hợp này không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).
Bộ Y tế cũng đưa ra quy định đối với F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine COVID-19 có thể tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.
Tuy nhiên, với trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các F1 sao cho đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.