Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề xuất đưa U23 Việt Nam đá V-League: Đừng vội học Malaysia, Singapore

(VTC News) -

Không ít người hiểu lầm rằng bóng đá Singapore, Malaysia đưa đội tuyển U23 tham dự giải chuyên nghiệp.

Tập hợp các cầu thủ trẻ thành một đội bóng tham gia giải chuyên nghiệp là ý tưởng được một số nền bóng đá trong khu vực Đông Nam Á áp dụng. Singapore, Malaysia và Lào đang áp dụng cách này. Nhật Bản cũng có một thời gian ngắn lập đội tuyển chọn U22 thi đấu tại J-League 3.

Tuy nhiên, trên thực tế, những nền bóng đá này không đưa đội tuyển trẻ quốc gia vào thi đấu giải chuyên nghiệp.

Malaysia: Bỏ đi làm lại

Bóng đá Malaysia từng có CLB Harimau Muda (tạm dịch: Hổ non), đội bóng được thành lập năm 2007. Lực lượng của Harimau Muda được tuyển chọn từ Học viện thể thao Bukit Jalil và giải Piala Presiden (giải U21 quốc gia của Malaysia).

U23 Malaysia từng đưa đội tuyển trẻ dự giải chuyên nghiệp, sau đó bỏ cách làm này.

Bóng đá Malaysia thu được thành công lớn từ cách làm này ngay từ giai đoạn đầu tiên. Hiệp hội bóng đá Malaysia (FAM) đưa Harimau Muda tham dự giải hạng hai (Premier League). Đội bóng do HLV Ong Kim Swee - sau này là HLV trưởng của ĐTQG và U23 Malaysia - dẫn dắt gây bất ngờ khi giành chức vô địch ở mùa giải 2009 (nhưng không được lên hạng). 

Cũng chính đội hình kể trên đóng góp quân số chủ chốt cho U23 Malaysia giành huy chương vàng SEA Games 26 (năm 2011 tại Myanmar). Tuy nhiên, thành tích những năm tiếp theo của Harimau Muda cũng như các đội tuyển trẻ Malaysia cho thấy thành công này chỉ mang tính nhất thời, chủ yếu là nhờ một lứa cầu thủ quá xuất sắc.

U19 Malaysia không có thành tích tốt ở giải Đông Nam Á. Trong 7 năm từ 2009 đến 2016, chỉ 3 lần vượt qua vòng đấu bảng, vị trí cao nhất là giành hạng ba năm 2011. Harimau Muda cũng không còn đóng góp nhiều thành viên cho U23 Malaysia sau tấm huy chương vàng SEA Games 26. Thành tích của U23 Malaysia ở đấu trường này cũng đi xuống (hạng tư năm 2013 và không vượt qua vòng bảng năm 2015). 

Trong giai đoạn này, khi các CLB chuyên nghiệp của Malaysia được đầu tư mạnh hơn, việc đào tạo cầu thủ trẻ ở CLB và địa phương được cải thiện cả về số lượng và chất lượng. FAM nhận thấy rằng việc lấy các cầu thủ trẻ đưa về đào tạo tập trung và đưa lên thi đấu giải chuyên nghiệp không còn phù hợp và không phải cách làm hiệu quả bền vững. Đội Harimau Muda bị giải thể.

Đến năm 2020, mô hình này được "hồi sinh" với một phiên bản khác. FAM một lần nữa thành lập đội trẻ thi đấu ở giải hạng hai với tên gọi Skuad Projek. Thành phần của đội bóng này chỉ là những cầu thủ lứa tuổi U21 được đào tạo ở các cơ sở của Học viện bóng đá Malaysia nhưng chưa được các CLB chuyên nghiệp nhận về.

Ở mùa giải 2021, đội Skuad Projek đứng cuối bảng giải hạng hai Malaysia, chỉ giành được một chiến thắng sau 20 vòng đấu. Đội bóng này cũng chỉ đóng góp 2 thành viên cho U23 Malaysia tham dự SEA Games 31 và vòng chung kết U23 châu Á 2022.

Giải pháp đặc thù của Singapore

Hiệp hội bóng đá Singapore (FAS) thành lập đội Young Lions tham dự giải vô địch quốc gia (S-League) từ năm 2002, bao gồm các cầu thủ ở lứa tuổi U23. Đội bóng này cũng từng có một khoảng thời gian tranh tài tại Super League - giải đấu hạng cao nhất của Malaysia - theo thỏa thuận hợp tác giữa 2 liên đoàn. Young Lions là nguồn cầu thủ chủ lực cho các đội tuyển trẻ của Singapore.

Dẫu vậy, việc các cầu thủ U19, U23 trải nghiệm môi trường bóng đá chuyên nghiệp sớm nhờ khoác áo CLB Young Lions không mang đến hiệu quả về mặt thành tích cho các đội tuyển trẻ Singapore. Nền bóng đá của đảo quốc sư tử chưa bao giờ được đánh giá cao ở cấp độ trẻ.

Bóng đá trẻ Singapore chưa bao giờ được đánh giá cao.

Đội tuyển U19 Singapore chỉ một lần duy nhất vượt qua vòng bảng của giải vô địch Đông Nam Á và không tham dự giải châu Á kể từ năm 1978 đến nay. U23 Singapore chỉ mới 3 lần giành huy chương đồng SEA Games, còn lại 7 lần khác đều bị loại ở vòng bảng.

Tuy nhiên, FAS không thể bỏ đội Young Lions bởi đặc thù của nền bóng đá. Giải vô địch quốc gia Singapore chỉ có duy nhất một hạng đấu với 8 CLB chuyên nghiệp. Đội trẻ của các đội bóng này hạn chế về cả số lượng và chất lượng.

Bóng đá Singapore vẫn phải trông cậy nhiều vào Học viện bóng đá quốc gia (NFA) trong việc đào tạo cầu thủ trẻ. Những cầu thủ của NFA chưa được CLB chuyên nghiệp nào chiêu mộ sẽ thi đấu cho Young Lions cho đến khi hết độ tuổi U23. Nhìn chung, sự tồn tại của đội Young Lions là một giải pháp mang tính ứng phó với hoàn cảnh của bóng đá Singapore.

Nhìn chung, cách làm của Malaysia, Singapore là tập hợp các cầu thủ trẻ thành một đội bóng tham dự giải chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đó không phải là đội tuyển U23 Malaysia hay U23 Singapore như nhiều người lầm tưởng. Các liên đoàn bóng đá kể trên không đưa đội tuyển trẻ vào giải vô địch quốc gia.

Trên thực tế, Harimau Muda, Skuad Projek của Malaysia và Young Lions của Singapore được thành lập để giải quyết vấn đề "đầu ra" cho các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ không thuộc các CLB chuyên nghiệp. Ví dụ, đội Skuad Projek được coi là cơ hội thứ hai cho những cầu thủ trẻ tốt nghiệp học viện nhưng không vượt qua được kỳ tuyển chọn của các CLB.

Minh Ngọc

Tin mới