Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề xuất chủ trương xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91

(VTC News) -

Tỉnh An Giang sẽ kiến nghị Thủ tướng cho phép xã hội hóa Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91, đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú.

Chiều 25/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp về "Chủ trương chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91 khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang".

Tại cuộc họp, ông Tô Hoàng Môn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, tình trạng sạt lở Quốc lộ 91 xảy ra từ năm 2009. Từ đó đến nay, nhiều đợt sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra ở khu vực này.

Theo ông Môn, sự xuất hiện dòng chảy xoắn với lưu lượng và lưu tốc lớn qua vị trí này là một trong những yếu tố gây nên hiện tượng xói lở bờ phải Quốc lộ 91 và gây bồi lắng bờ trái, qua đó thu hẹp mặt cắt lòng sông khu vực này. Khu vực bị sạt lở như nút thắt cổ chai nên có tốc độ dòng chảy lớn.

Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh đã thả bao cát với định mức 23 bao/m3; tổng lượng cát để xử lý là 34.000m3. Đồng thời xây dựng 2 kè mái nghiên từ 2009 - 2019. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Ông Tô Hoàng Môn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang.

Thực hiện giải pháp lâu dài, ông Môn cho biết, chỉnh trị dòng chảy sẽ làm giảm chi phí gia cố bờ bảo vệ Quốc lộ 91. Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh An Giang còn nhiều khó khăn, tỉnh kiến nghị Thủ tướng cho phép xã hội hóa Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91.

Phương án là nạo vét mở rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ kéo dài khoảng 3km (đoạn bị thắt hẹp còn khoảng 300m so với đoạn thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng khoảng 600m.

Tại cuộc họp, ông Tô Văn Thanh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, để khắc phục sạt lở cần có đánh giá toàn tuyến, toàn bộ dòng chảy từ thượng nguồn để có bức tranh tổng thể về mối liên quan giữa điểm sạt ở Quốc lộ 91 với các điểm sạt khác, từ đó đưa ra biện pháp chỉnh trị phù hợp.

Ông Thanh cho rằng chủ trương xã hội hoá là cần thiết vì sạt lở ở bờ sông sẽ xảy ra thường xuyên và trên diện rộng. Do vậy, nếu chỉ phụ thuộc vốn nhà nước thì sẽ không kịp. Việc xã hội hoá cũng góp phàn nâng cao nhận thức và trách nhiệm củau cộng đồng trong phòng tránh sạt lở.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), nhắc lại vấn đề sạt lờ bờ sông Hậu tại Quốc lộ 91 được Chính phủ rất quan tâm. Ngày 31/12/2019 Thủ tướng đã ký quyết định hỗ trợ 140 triệu đồng để khắc phục khẩn cấp vị trí này. Tuy nhiên đến nay tỉnh vẫn chưa triển khai.

"Đề nghị UBND tỉnh An Giang khẩn trương sử dụng nguồn kinh phí này để khắc phục sạt lở", ông Hoài nói.

Ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT).

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, với diễn biến phức tạp của tình hình sạt lở trên sông Hậu, cần thiết phải xem xét việc chỉnh trị dòng chảy để đảm bảo an toàn cho Quốc lộ 91. 

Tuy nhiên, để triển khai chỉnh trị có hiệu quả thì An Giang cần có những nghiên cứu đầy đủ, toàn diện để giảm thiểu sạt lở ở vị trí chỉnh trị, đồng thời hạn chế ảnh hưởng, tác động đến thượng, hạ lưu.

Liên quan đến đề xuất xã hội hóa, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị An Giang phải triển khai minh bạch, tuân thủ quy định của luật pháp về xã hội hóa, về khai thác tài nguyên khoáng sản liên quan đến lòng dẫn, môi trường, nguồn nước.

Ông Hoài cũng cho biết, hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng phương án chỉnh trị toàn bộ hệ thống sông chính của ĐBSCL, tiến độ thực hiện trong phạm vi 2 năm và sẽ cung cấp một số thông tin ban đầu cho phục vụ nghiên cứu chỉnh trị sông Hậu.

Xuân Trường

Tin mới