Theo đánh giá của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện tình trạng kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm trên mạng internet, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…), các sản phẩm mỹ phẩm được rao bán, quảng cáo trên mạng rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ.
Hiện còn nhiều sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tính năng, công dụng đã công bố hoặc vượt quá tính năng vốn có của sản phẩm.
Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định kinh doanh trực tuyến mỹ phẩm và xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm khi cần truy vết, kiểm tra, xác minh.
Để chấn chỉnh tình trạng này, trong dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định kinh doanh trực tuyến mỹ phẩm và xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm khi cần truy vết, kiểm tra, xác minh.
Cụ thể, cần bổ sung quy định kinh doanh trực tuyến mỹ phẩm; Xây dựng mã định danh mỹ phẩm bằng việc xây dựng lại cấu trúc số tiếp nhận phiếu công bố để xác định xuất xứ mỹ phẩm, phân loại mỹ phẩm.
Không những vậy, cần quy định trách nghiệm của doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường trong việc nhãn bao bì ngoài phải được in mã vạch (Bar code) hoặc mã QR (Quick response) hoặc mã DataMatrix Code (DMC) nhằm quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc. Bổ sung tên, địa chỉ nhà sản xuất trên nhãn thay vì chỉ ghi nước sản xuất.
Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh Công nghiệp 4.0, một số hình thức kinh doanh mới trong lĩnh vực mỹ phẩm như bán hàng online trên các website và thương mại điện tử về mỹ phẩm, đa cấp… ngày càng phát triển, gây khó khăn cho công tác quản lý, chưa có quy định để kiểm soát được hết việc quảng cáo mỹ phẩm.
Trong đó, việc giới thiệu, quảng cáo mỹ phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trên mạng xã hội, trang điện tử cũng như việc kinh doanh không có cửa hàng khiến cơ quan kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không xác định được chủ thể, không có hàng hóa để xử lý vi phạm.
Theo quy định hiện nay, mỹ phẩm không có thông tin số tiếp nhận phiếu công bố, không có thông tin về tên, địa chỉ nhà sản xuất trên nhãn (trên nhãn chỉ có thông tin về nước sản xuất và tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường) gây khó khăn xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm khi cần truy vết, kiểm tra, xác minh.
Do vậy, Bộ Y tế đề xuất quy định cụ thể điều kiện sản xuất mỹ phẩm (tiêu chí, quy trình đánh giá bao gồm điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, hệ thống quản lý chất lượng) và có danh mục kiểm tra (checklist) cho cơ quan đánh giá và cho doanh nghiệp tự kiểm tra.
Quy định cụ thể doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chí nào về hệ thống chất lượng sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hay được tiếp tục khắc phục sau khi thanh tra, kiểm tra đủ điều kiện sản xuất.
Quy định cụ thể việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm trong trường hợp cơ sở sắp xếp, thiết kế lại nhà xưởng. Quy định định kỳ tái kiểm tra cở sở được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm thay vì cấp vĩnh viễn như hiện nay.
Theo Bộ Y tế, việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp lý. Đồng thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm Việt Nam ngày một gia tăng về quy mô, chủng loại mặt hàng và hình thức kinh doanh mới phát sinh (thương mại điện tử).
Qua đó, hướng đến thực hiện mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quản lý mỹ phẩm, nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước nhằm tăng tính cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Đồng thời tăng tính an toàn của sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm mỹ phẩm an toàn chất lượng của người dân.