Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề xuất 4 tình huống cảnh sát cơ động được kiểm tra người, phương tiện

Bộ Công an đề xuất CSCĐ được kiểm soát khi phát hiện người phạm tội quả tang, người bị truy nã hay phát hiện người, phương tiện, tài sản có thông báo truy tìm.

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo lần 2 Thông tư quy định quy trình hoạt động tuần tra, kiểm soát của cảnh sát cơ động (CSCĐ) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong 2 tháng.

Theo văn bản này, Bộ Công an đề xuất lực lượng CSCĐ khi tuần tra được quyền kiểm tra, kiểm soát trong 4 trường hợp, gồm:

1. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.

2. Khi phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã.

3. Khi phát hiện người, phương tiện, đồ vật, tài liệu, tài sản có thông báo truy tìm.

4. Khi có căn cứ để cho rằng trong người, phương tiện có cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật, nếu không kiểm tra, kiểm soát ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện đó bị tẩu tán, tiêu hủy.

Bộ Công an đề xuất khi tuần tra, kiểm soát công khai, CSCĐ phải sử dụng trang phục công an, giấy chứng nhận công tác đặc biệt... và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định.

CSCĐ có quyền ra quyết định xử phạt một số vi phạm hành chính.

Ngoài ra, CSCĐ được phép tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trong các trường hợp: Phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm khi có yêu cầu hay khi có diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự.

Khi tuần tra, kiểm soát, CSCĐ phải bố trí cán bộ hóa trang (mặc thường phục) để nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trong phạm vi khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công. Khi phát hiện người hay phương tiện vi phạm, cán bộ hóa trang phải thông báo ngay cho lực lượng công khai để xử lý.

Về xử lý tình huống, dự thảo đề xuất khi phát hiện vi phạm hành chính, CSCĐ có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền. Trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt, thì lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết và chuyển ngay cho người có thẩm quyền để xử lý.

Khi phát hiện người phạm tội quả tang, người bị truy nã, CSCĐ phải ngăn chặn, bắt giữ, vô hiệu hóa đối phương rồi báo cáo người có thẩm quyền để giải quyết. Trường hợp phát hiện người có thông báo truy tìm, lực lượng tuần tra cần ghi nhận đặc điểm nhận dạng của người đó, đồng thời liên hệ, phối hợp với cơ quan ra thông báo truy tìm hoặc công an xã, phường, thị trấn.

Còn nếu phát hiện phương tiện, đồ vật, tài liệu, tài sản có thông báo truy tìm, CSCĐ cần bảo vệ hiện trường, dùng thiết bị kỹ thuật ghi nhận thông tin về phương tiện, đồ vật, tài liệu, tài sản đó; liên hệ, phối hợp với cơ quan ra thông báo truy tìm hoặc công an xã, phường, thị trấn để xử lý.

Ngoài những nội dung trên, Bộ Công an cũng đề xuất trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ cho CSCĐ. Trong đó, phương tiện được đề xuất gồm: Ôtô, môtô đặc chủng, tàu thuyền, trực thăng và các loại phương tiện khác. Còn thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ gồm: Máy quay phim, máy chụp ảnh, ghi âm, đèn pin chiếu sáng, bộ đàm liên lạc.

Nguồn: Zing News

Tin mới