Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề Văn vào lớp 10 TP.HCM: Giảm tải lý thuyết, thí sinh được thể hiện quan điểm riêng

Chuyên gia đánh giá đề thi Văn vào lớp 10 tại TP.HCM cho thí sinh thể hiện năng lực cảm thụ và quan điểm cá nhân, giảm nhẹ các câu lý thuyết.

Sáng 2/6, hơn 80.000 học sinh TP.HCM bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020 môn Ngữ văn trong thời gian 120 phút. Nhiều thí sinh nhận xét, đề thi năm nay so với mọi năm ở mức bình thường, ứng dụng thực tiễn cao.

Chuyên gia đánh giá, hình thức thể hiện đề thi, cấu trúc và barem điểm vẫn giữ nguyên với 3 câu hỏi được phân bổ điểm theo tỉ lệ 3/3/4. Trong đó, câu hỏi thứ 3 luôn có 2 lựa chọn cho thí sinh. 

Cụ thể, câu I có cấu trúc tương tự như đề năm 2018 với 4 ý hỏi, trong đó ý 1 và ý 2 ở mức độ tương đối cơ bản. Ý 3 yêu cầu học sinh phải chỉ ra điểm chung và điểm khác biệt về nội dung nên học sinh phải lưu ý đọc kĩ văn bản mới trả lời được. Ý thứ 4 mang tính phản đề yêu cấu thí sinh phải có sự định hướng thay đổi theo những chuẩn mực nhất định phù hợp với đạo đức và pháp luật.

Câu II là câu nghi luận xã hội, thí sinh được quyền lựa chọn vấn đề nghị luận ở hình 2,3,4. Hình thức câu hỏi là một bài văn ngắn , dung lượng 1 trang giấy. Học sinh cần đánh giá được ưu và nhược điểm của mỗi cách ứng xử và có lập luận phù hợp, dẫn chứng xác đáng để bảo vệ quan điểm.

 Thí sinh thi tuyển vào lớp 10 tại TP.HCM hoàn thành xong môn thi đầu tiên sáng 2/6. (Ảnh: Hoài Sương)

Trong đó, cách ứng xử ở hình số 3 là mang tính tích cực nhất. Yêu cầu của vấn đề nghị luận năm nay là hướng đến sự thay đổi đầu tiên là thay đổi về nhận thức, suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân từ đó sẽ làm thay đổi cuộc sống trong cộng đồng, tập thể.

Câu 3- Đề 1 với dạng thức đề quen thuộc kết hợp giữa Nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Phần nghị luận xã hội hướng về sức mạnh của gia đình nên cách lập luận của thí sinh vẫn phải nhấn mạnh về vai trò của gia đình tác động đến sự phát triển của bản thân mỗi cá nhân.

Câu 3- Đề 2 được coi là một câu hỏi khó, có yếu tố thách thức với thí sinh, đặc biệt là gây được sức hút với những thí sinh có năng lực tốt về môn Ngữ văn.

"Câu hỏi thiên về vai trò và chức năng của văn học trong việc hướng con người tới những điều tốt đẹp, những cảm xúc chân thành, cụ thể “văn học có khả năng đánh thức tâm hồn, gõ cửa trái tim”", cô Đỗ Khánh Phương - Giáo viên Ngữ văn  - Hệ thống Giáo dục HOCMAI đánh giá.

Nhìn chung, đề thi được đánh giá tương đối hay, ngữ liệu phù hợp, có tính mở, gần gũi với thực tế đặc biệt là hướng tới cách ứng xử đẹp, tích cực của con người trong xã hội, đặc biệt đề thi vẫn có “đất diễn” dành riêng cho những học sinh giỏi môn Văn.

Thấy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên Ngữ văn – Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định: "Đề thi tiếp nối mạch đổi mới trong cách biên soạn đề thi như năm 2018. Đề giảm nhẹ các câu hỏi mang tính lí thuyết, học thuộc, gia tăng các câu hỏi gắn liền với cuộc sống đồng thời vẫn cho phép thí sinh thể hiện được quan điểm cá nhân, năng lực cảm thụ các tác phẩm văn chương".

Linh Nhi

Tin mới