Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề tham khảo môn Ngữ văn gắn với đời sống thực tế, phân loại rõ thí sinh

(VTC News) -

Các giáo viên đều đồng tình nhận xét, đề tham khảo môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT phù hợp với mục tiêu kỳ thi, mang tính định hướng giáo dục cao.

Sau khi đề tham khảo môn Ngữ văn được công bố, giáo viên Lê Văn Thắng (trường THPT Thống Nhất, tỉnh Thanh Hóa) đánh giá, so với đề thi THPT quốc gia, đề tham khảo có sự giảm nhẹ độ khó nhưng đề tham khảo vẫn có sự phân hóa, đánh giá học lực của học sinh. Các câu hỏi và yêu cầu trong đề tường minh, không đánh đố. 

Đề tham khảo môn Ngữ văn cơ bản giữ nguyên cấu trúc như đề thi THPT quốc gia những năm trước, gồm 2 phần: đọc hiểu (3 điểm), làm văn (7 điểm). Các học sinh lớp 12 làm quen với cấu trúc này từ những năm học trước, nên có thể tự tin, chủ động trong quá trình ôn tập.

Phần đọc hiểu trong đề gồm 4 câu hỏi. Câu hỏi 1 và 2 ở cấp độ nhận biết, câu 3 ở cấp độ thông hiểu và câu hỏi 4 ở cấp độ vận dụng. Các câu hỏi này kiểm tra khả năng đọc hiểu một văn bản ngoài chương trình.

Phần làm văn gồm 2 câu hỏi, câu 1 yêu cầu học sinh viết một đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ, câu 2 yêu cầu trình bày cảm nhận về nội dung của một đoạn thơ.

“Nội dung kiến thức trong đề thuộc chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12, không nằm trong nội dung giảm tải, tinh giản, tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình ôn tập. Trong đó, các câu hỏi đọc hiểu và nghị luận xã hội vừa kiểm tra được kiến thức của học sinh, vừa gắn với thực tế đời sống, mang tính giáo dục cao”, giáo viên trường THPT Thống Nhất nói.

Thầy Lê Quang Sơn, giáo viên trường THPT Chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cũng đánh giá, điểm thú vị của đề tham khảo môn Ngữ văn là phần đọc hiểu. Phần này, đề sử dụng một đoạn trích vừa mang giá trị phổ quát vừa phù hợp với bối cảnh văn hóa ngày nay.

Chủ đề của đoạn trích tập trung phê phán thói quen “luôn cho rằng mình đúng” và áp đặt ý kiến chủ quan của mình với người khác. Đây là một thói xấu đang có dịp phát tác trên tất cả lĩnh vực, kể cả trong môi trường văn hóa mạng internet.

“Câu 4 phần đọc hiểu là một câu hỏi thú vị: “Lời khuyên hãy từ bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng” có ý nghĩa gì với anh/chị?”. Để trả lời, thí sinh phải coi văn bản như chiếc gương để tự soi vào mình, vận dụng cho mình, đồng thời có thể bày tỏ quan điểm và sự sáng tạo. Việc lựa chọn đoạn trích này ngoài mục đích đánh giá năng lực, còn như một sự cảnh tỉnh", thầy Sơn nói.

Yêu cầu trong phần đọc hiểu đã tạo ra một hệ thống thao tác tư duy trong đọc hiểu, thể hiện rõ tính khoa học. Câu hỏi được đưa ra theo các cấp độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng; tập trung yêu cầu thí sinh khám phá chủ đề đoạn trích, nhận diện, lí giải vấn đề trong đoạn trích và rút ra thông điệp cho mình.

Học sinh sẽ xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích, đồng thời lựa chọn được lối sống phù hợp qua việc trả lời các câu hỏi “thể hiện quan điểm trong sự hòa nhã”.

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn gắn với đời sống thực tế, phân loại rõ thí sinh.

Gắn với thực tế, có thể phân hoá thí sinh

Theo cô Nguyễn Kim Anh, THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, phần đọc hiểu tập trung phê phán thói quen áp đặt ý kiến của mình với người khác, thì yêu cầu trong câu 1 phần Làm văn lại tạo cơ hội cho thí sinh tư duy ở chiều ngược lại, là cần phải tôn trọng ý kiến của người khác.

Câu hỏi không chỉ kiểm tra được kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội của học sinh mà còn góp phần định hướng cách ứng xử trong đời sống cho các em đó là “cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác”. 

Cô Kim Anh cho rằng, thực tiễn xã hội hiện đại đề cao khả năng tư duy độc lập, khuyến khích con người có suy nghĩ, quan điểm riêng trước các vấn đề của đời sống. Tuy nhiên không phải ai cũng biết tôn trọng quan điểm của người khác. Việc luôn cho rằng mình đúng đôi khi có thể dẫn con người đến những sai lầm đáng tiếc cả trong tư duy, ứng xử.

Vì vậy vấn đề mà đề bài đặt ra vừa tạo điều kiện cho học sinh trình bày quan điểm, suy nghĩ của cá nhân trong khuôn khổ một đoạn văn nghị luận xã hội, vừa gợi mở, định hướng về lối sống cho các em.

Câu hỏi còn lại của phần làm văn là câu nghị luận văn học, yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận về một đoạn thơ với dung lượng vừa phải trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Yêu cầu trong câu này rất tường minh, chỉ rõ đối tượng nghị luận là khung cảnh thiên nhiên và hình tượng người lính.

Theo cô Nguyễn Kim Anh dạng câu hỏi trong đề nghị luận văn học này quen thuộc với học sinh, vừa giúp kiểm tra kiến thức, kĩ năng viết văn nghị luận, kiểm tra năng lực cảm thu văn học của các em; đồng thời có tính phân hóa rất tốt.

“Ở câu hỏi này, khá dễ dàng để học sinh kiếm mức điểm từ 50% trở lên. Tuy nhiên, muốn đạt điểm cao, thí sinh phải tìm ra mối liên hệ giữa khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính. Trong đó, người lính là hình tượng trung tâm vì xét đến cùng, thiên nhiên miền Tây là cái nền tôn vinh vẻ đẹp của người lính Tây Tiến.

Muốn được điểm cao hơn nữa, thậm chí được điểm tối đa, thí sinh phải thông qua đó, đánh giá được nét đặc trưng của thơ Quang Dũng”, cô Kim Anh đánh giá.

Video: Phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Hà Cường

Tin mới