Từ ngày 15/7, thí sinh cả nước bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi được tổ chức nhằm phục vụ xét tốt nghiệp THPT, hỗ trợ công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có một số điều chỉnh; thời gian diễn ra muộn hơn nhưng không xáo trộn nhiều. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đề thi năm nay chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với việc tinh giản chương trình.
Thí sinh lo ngại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dễ có "mưa" điểm 10.
Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng khẳng định: “Các thí sinh yên tâm, đề thi sẽ không đánh đố thí sinh, độ khó phù hợp với mục đích của kỳ thi và điều kiện dạy - học đặc biệt của năm nay. Mức độ phân hóa của đề cũng đã được điều chỉnh”.
Thông tin trên khiến nhiều thí sinh đặt lo ngại, liệu đề thi dễ có tạo ra “mưa” điểm 10, gây khó khăn cho việc tuyển sinh, đặc biệt với những trường đại học top đầu?
Về vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết, bất kỳ thi nào đề thi cũng cần đảm bảo yếu tố phân hóa: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cũng phải đáp ứng yêu cầu phân hóa. Đề thi tham khảo là định hướng để ra đề thi chính thức và đảm bảo tính phân hóa thí sinh ở các mức xuất sắc, giỏi, khá, trung bình.
Để đạt được điểm 9,10, các em phải học thực sự tốt. Vì thế, các trường có khả năng cạnh tranh cao vẫn có thể đảm bảo yêu cầu sàng lọc để tuyển sinh”.
Bên cạnh đó, ông Mai Văn Trinh cũng nhắc nhở thí sinh ghi nhớ các mốc thời gian của kỳ thi Tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ, ĐH. Trong quá trình làm hồ sơ, cần tránh những lỗi sai như mã trường, mã ngành, tổ hợp xét tuyển, tên không viết hoa, sai phần đăng ký tổ hợp môn thi, khu vực tuyển sinh...