Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Đề cương về văn hóa Việt Nam mang tư tưởng vượt trước thời đại'

(VTC News) -

"Ngay ở giai đoạn COVID-19 , sức mạnh văn hóa thích ứng với thời đại một lần nữa minh chứng tư tưởng đúng đắn của Đề cương về văn hóa VN", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, kháng chiến, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam. Trải qua 80 năm, những tư tưởng, quan điểm thể hiện trong Đề cương vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc.

Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943. (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ).

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chia sẻ với phóng viên VTC News về những giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam ở thời điểm ra đời cũng như trong tình hình hiện tại.

- Đề cương về văn hóa Việt Nam là một trong những văn kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Ông có thể phân tích bối cảnh ra đời của bản Đề cương?

Đề cương về văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo và được Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua năm 1943. Đề cương ra đời trong bối cảnh đặc biệt của lịch sử đất nước. Lúc đó, nhân dân ta đang chịu sự áp bức của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Quá trình áp bức lâu dài đó đã khiến cho văn hóa Việt Nam, như cách diễn đạt trong Đề cương, mang nặng tính chất “phong kiến và nô dịch”. Văn hóa Việt Nam về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản.

Bên cạnh đó, trên mặt trận văn hóa - tư tưởng cũng có những diễn biến phức tạp. Cùng với việc cai trị, bóc lột, phát xít Nhật và thực dân Pháp còn đẩy mạnh chính sách văn hóa nô dịch, ngu dân, phản động, đàn áp những nhà hoạt động văn hóa có tư tưởng tiến bộ, có tinh thần yêu nước. Một bộ phận trí thức hoang mang, lo lắng và bế tắc trước thời cuộc.

Đúng vào thời điểm đó, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời và trở thành một bản cương lĩnh lớn, đầu tiên về văn hóa, cùng với cương lĩnh chính trị, giúp chúng ta hoàn thiện nhận thức và hành động trong việc đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Đảng ta xác định: Văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) mà ở đó người cộng sản phải hoạt động. Đảng ta không chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cả cách mạng văn hóa nữa. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả. Đây thực sự là những nhận thức đúng đắn, mang tính vượt trước, là tiền đề để chúng ta đạt được nhiều thắng lợi về sau từ sức mạnh của văn hóa.

- Vì sao Đề cương về văn hóa Việt Nam lại được đánh giá là mang tư tưởng vượt trước thời đại ở Việt Nam?

Đề cương về văn hóa Việt Nam xác định: "Phạm vi vấn đề văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật". Đảng ta xác định: Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội. Như vậy, cải tạo xã hội bằng văn hóa, thông qua cải cách, đổi mới về tư tưởng, học thuật và nghệ thuật chính là những tư tưởng vượt trước mà đến nay chúng ta vẫn thấy giá trị trường tồn của nó.

Đến thời hòa bình hay ngay trong giai đoạn COVID-19 gần đây, sức mạnh văn hóa thích ứng với thời đại một lần nữa minh chứng tư tưởng đúng đắn của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Việc ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với ba nguyên tắc gồm dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập), đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng), khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì khiến cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ) giúp chúng ta chuyển từ nền văn hóa về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản sang một nền văn hóa mới cách mạng, dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung.

Sự chuyển đổi trạng thái của văn hóa giúp văn hóa thích ứng với thời cuộc, phát huy được sức mạnh của văn hóa, hình thành tinh thần yêu nước, tình đoàn kết, từ đó giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng kẻ thù.

Văn hóa cách mạng đã tạo ra những thành tựu và niềm tự hào cho đất nước. Đến thời hòa bình hay ngay trong giai đoạn COVID-19 gần đây, sức mạnh văn hóa thích ứng với thời đại một lần nữa minh chứng tư tưởng đúng đắn của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943.

Bên cạnh đó, Đề cương về văn hóa còn như ngọn cờ tập hợp các trí thức, văn nghệ sỹ, những người yêu nước, có tinh thần dân tộc đi theo cuộc trường chinh đầy gian khổ và vinh quang của dân tộc. Việc coi văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sỹ là những chiến sỹ trên mặt trận đó dẫn đến phong trào Tiếng hát át tiếng bom.

Đến tận hôm nay, chúng ta còn chứng kiến đội ngũ văn nghệ sỹ một lòng theo Đảng, sáng tác những tác phẩm nghệ thuật truyền cảm hứng về tình yêu quê hương đất nước. Tất cả đều có ảnh hưởng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam. Do đó, những vấn đề mà Đề cương nêu ra có thể coi là tư tưởng vượt trội trước thời đại ngay từ những năm 40 của thế kỷ trước.

(Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ).

- Thưa ông, trong hai cuộc kháng chiến của đất nước, Đề cương về văn hóa đã được vận dụng thế nào?

Sau khi Đề cương ra đời, văn hóa Việt Nam có sức sống mới. Tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Năm 1948, Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức để triển khai chủ nghĩa Mác với văn hóa Việt Nam. Các tổ chức, hội nghị về văn hóa nghệ thuật ra đời như một sự cụ thể hóa hơn nữa những quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng về văn hóa.

Lúc này, rất nhiều bài thơ, câu chuyện, bức tranh... truyền cảm hứng về tình yêu nước, tinh thần đoàn kết đã trở thành vũ khí tinh thần cực kỳ quan trọng của một thời kỳ văn hóa cách mạng rực rỡ. Ngay cả đến bây giờ, chúng ta còn luyến tiếc những giờ phút huy hoàng mà những bản hùng ca bất tử đã đem lại cho chiến sỹ, nhân dân.

Mac Namara - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - từng chia sẻ trong hồi ký: Quân đội Mỹ thua Việt Nam vì vấp phải một dân tộc cố kết với nhau bằng truyền thống văn hóa lâu đời của mình. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến cũng là thắng lợi của nền văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa có bề dày hàng nghìn năm và được Đảng phát huy ở một tầm cao mới.

Đại hội lần thứ 4 Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1976 đánh giá: "Đề cương về văn hóa Việt Nam xứng đáng được đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn hóa văn nghệ chống đế quốc trong thời đại ngày nay". Đây là một tổng kết sâu sắc và xứng đáng với tầm vóc của Đề cương trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá, Đề cương về văn hóa Việt Nam mang tư tưởng vượt trước thời đại ở Việt Nam.

- Ông có thể phân tích những giá trị của Đề cương về văn hóa trong bối cảnh hiện nay?

Văn hóa ngày hôm nay đã có nhiều khác biệt so với bối cảnh của những năm 1940 thế kỷ trước. Đời sống văn hóa đa dạng và phong phú hơn. Nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân cao hơn. Tác động của văn hóa thế giới đến văn hóa Việt Nam cũng mạnh mẽ hơn. Đảng và Nhà nước ta cũng có nhiều điều kiện hơn trong việc chăm sóc đời sống văn hóa cho nhân dân. Thuận lợi và thách thức đan xen trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam khiến chúng ta cần tìm những giải pháp phù hợp để phát triển văn hóa vì sự phát triển bền vững đất nước. Trong đó, những giá trị trường tồn của Đề cương về văn hóa Việt Nam chính là một trong những chỗ dựa vững chắc, được kiểm chứng qua thời gian, giúp chúng ta khẳng định bản lĩnh, sức mạnh văn hóa Việt Nam.

Từ ba nguyên tắc xây dựng văn hóa của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, chúng ta đã phát triển, hoàn thiện hơn ở Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, ở đó việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có hơn văn hóa dân tộc là một bổ sung mới để phù hợp hơn với bối cảnh toàn cầu hóa; ở Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ở đó văn hóa và con người là mục đích của mọi sự phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta phát triển văn hóa để xây dựng con người, và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Gần đây, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xem văn hóa là một yếu tố then chốt để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, nội hàm của các nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa cũng được cụ thể hóa để phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay. Ví dụ, ba nguyên tắc này đã được vận dụng, thể hiện đầy đủ trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học hiện nay. Rõ ràng, giờ đây chúng ta mong muốn xây dựng hệ giá trị văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”.

Ở đó, bên cạnh tình yêu nước, tinh thần đoàn kết được hiểu theo những nội hàm mới, phù hợp với bối cảnh xã hội hôm nay, còn có những giá trị khoa học hay trình độ văn minh của văn hóa, đặc biệt là giá trị dân chủ, coi trọng sự tham gia của toàn xã hội vào việc xây dựng đời sống văn hóa, và giá trị nhân văn, ở đó mọi sự phát triển đều hướng đến con người. Đó có thể là nền kinh tế nhân văn, khoa học nhân văn hay bất kỳ một lĩnh vực nào khác. Như thế, văn hóa sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

Đức Minh (Thực hiện)

Tin mới