Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề chuyên Văn lớp 10 ở Khánh Hòa: 'Đừng biến học sinh 15 tuổi thành nhà lý luận'

(VTC News) -

"Học sinh lớp 9 chỉ mới 15 tuổi, chưa có nhiều trải nghiệm, chưa được học kiến thức lý luận văn học, vậy nên đừng ra đề mang kiểu đánh đố".

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) năm học 2021 - 2022 ngày 4/6 nhận các ý kiến trái chiều khi hỏi học sinh “nếu phải ở trong nước sôi”.

Là giáo viên Ngữ văn bậc THPT, tôi nhận thấy, tranh biện vốn là mặt trận của văn chương. Ra đề thi mà bằng lòng tất cả mọi người thì sẽ có người nhận định: Đề không có gì mới, nhàm chán. Con khi ra đề mới có khi lại bị mọi người “ném đá”, chê bai đủ điều thì chẳng có ai dám tiên phong đổi mới.

Đề thi Ngữ văn tuyển sinh vào 10 chuyên của tỉnh Khánh Hòa có nhiều cái “mất” hơn “được”. Trước hết, văn chương cũng phải mới mẻ, giả định là bình thường. Rất nhiều đề vẫn yêu cầu học sinh nhập vai để bày tỏ suy nghĩ đó thôi.

Tình huống “nước sôi” cũng chỉ là một giả định, quan trọng là giám khảo chấm theo hướng mở thế nào. Học sinh có thể phản biện lại giả định, em không chọn “nước sôi”, có thể chấp nhận giả định nhưng lại chọn làm “củ khoai tây”, hoặc không chọn cả hai như nhiều người vẫn tranh luận. Thế mới gọi là nghị luận, mới kiểm tra được năng lực học sinh.

Đề thi môn Ngữ văn tỉnh Khánh Hòa.

Học sinh có thể bày tỏ quan điểm thế này, nếu phải ở trong nước sôi em chẳng chọn làm “củ khoai tây” hay cũng như làm “quả trứng”. Bởi vì chọn làm “củ khoai tây” thì em bị luộc mềm, còn chọn làm “quả trứng” em sẽ bị luộc chín. Khi đó “khoai tây” hay “trứng” đều trở thành món ăn ngon cho người khác.

Và nếu giả định xảy ra thật, lại bắt em lựa chọn một trong hai thứ đó thì chọn cái gì cũng đều phũ phàng. Em nhất quyết không chọn làm “củ khoai tây” hay chọn làm “quả trứng” khi ở trong nước sôi, vì chọn như vậy là chọn con đường chết khi rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt.

Do đó nếu phải ở trong nước sôi thì lựa chọn duy nhất của em đó là phải thoát ra khỏi cái vũng nước sôi nhanh nhất bằng bất cứ giá nào, chỉ có như vậy thì sự sống với em mới còn tồn tại và em mới còn mục tiêu để thực hiện các ước mơ khác.

Tuy nhiên, văn học phương Tây thâm thúy đặc sắc, học sinh ở độ tuổi 15 không dễ dàng lý giải. “Nước sôi” ở đây không đơn giản chỉ là hoàn cảnh, thử thách khắc nghiệt, mà còn là môi trường sống, điều kiện thích nghi và chất xúc tác để tạo nên những điều vượt trội.

Việc khoai tây bị mềm đi không phải là “đánh gục con người”, hay trứng trở nên cứng không phải là sự “rắn rỏi kiên cường”, mà đó đơn giản là bản chất của sự vật. Con người trong cùng một môi trường sống nhưng với những cá tính khác nhau, khả năng khác nhau, suy nghĩ và hành động khác nhau sẽ tạo nên những cuộc sống khác nhau.

Những người sống trong khu ổ chuột, có người vượt lên hoàn cảnh mà trở thành tỷ phú, người suốt đời chỉ làm công nhân bình thường. Họ tạo ra những cuộc đời khác nhau với những ý nghĩa khác nhau, khoai tây mềm hay trứng cứng đều tạo nên những hương vị riêng cho cuộc sống này.

Nhưng nếu phải ở trong nước sôi, tôi nghĩ tôi muốn là viên đá cuội. Dù hoàn cảnh và môi trường sống có như thế nào, dù nước lạnh hay nước sôi, tôi cũng sẽ không bao giờ thay đổi bản chất vốn có của mình. Mọi người đều sẽ thay đổi theo thời gian. Và việc giữ vững được niềm tin và bản ngã của mình, trong một xã hội mà mọi người đều đang cố gắng thay đổi bạn theo ý muốn của họ, là điều khó khăn nhất.

Như thế, người ra đề đã biến học sinh lớp 9 thành một nhà lý luận là quá tầm với so với độ tuổi của các em. Học sinh có thể hiểu nghĩa ẩn dụ của “nước sôi”, “củ khoai tây”, “quả trứng” nhưng hầu như chỉ có thể viết qua loa, hời hợt vì thiếu trải nghiệm và yếu kiến thức lý luận văn học. Học sinh lớp 9 chỉ học về hai dạng nghị luận: tư tưởng đạo lý và một hiện tượng đời sống, tuyệt nhiên không có bài nào dạy lý luận văn học.

Phan Thế Hoài (giáo viên)

Tin mới