Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề chuyên Văn của Hà Nội: Câu nghị luận lủng củng, giới hạn khả năng cảm thụ

(VTC News) -

Giáo viên đánh giá, đề Văn vào lớp 10 chuyên của Hà Nội yêu cầu học sinh quá lớn về lý luận, câu nghị luận văn học lủng củng, gây khó khăn khi phân tích bài.

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đánh giá, hai câu hỏi trong đề thi Ngữ văn vào lớp 10 chuyên của Hà Nội nằm trong khung cấu trúc quen thuộc câu nghị luận xã hội (3,5 điểm) và nghị luận văn học (6,5 điểm).

Câu nghị luận xã hội khá minh triết từ nhan đề cuốn sách, phần trích dẫn cho đến câu lệnh đều giúp học sinh nhanh chóng xác định đúng vấn đề cần bàn luận, đó là “Yêu thương chính những điều không hoàn hảo”!

Vấn đề này dù không mới nhưng trong thời đại thông tin, của những sự cố khủng hoảng truyền thông, thì việc để học sinh bàn luận và thấu hiểu cả thế gian cũng như mỗi con người đều “có những điều không hoàn hảo” chính là cách giúp các em bình tâm, mạnh mẽ, nhân hậu hơn trước cuộc sống muôn màu sắc.

Đề bài cũng gợi mở cho học sinh những nghịch lý, những bí ẩn kỳ diệu trong tâm hồn con người khi chúng ta, thậm chí có thể yêu thương chính những vênh lệch, hao hụt, khuyết thiếu mà hờ hững với những sự được coi là hoàn hảo, toàn vẹn…!

Tuy nhiên, cô Tuyết cho rằng, trong câu lệnh: “Từ gợi dẫn trên kết hợp với hiểu biết xã hội, hãy viết một bài văn nghị luận bàn về những điều chưa hoàn hảo mà em yêu thương” có đôi điều cần suy nghĩ thêm. 

Thứ nhất là định hướng về đối tượng nghị luận, đó không phải là chủ thể cảm nhận mà là đối tượng cảm nhận, cụ thể, đó là “những điều chưa hoàn hảo mà em yêu thương” – trong khi cái hay, sâu, kỳ diệu của vấn đề mở ra không chỉ ở đối tượng mà chủ yếu lại là chủ thể.

Thứ hai là định hướng về xúc cảm của học sinh khi chỉ có một lựa chọn duy nhất là “yêu thương” những điều chưa hoàn hảo nào đó các em nhắc tới. Học sinh sẽ không có không gian độc lập cho lựa chọn thái độ hoặc xúc cảm trước “những điều chưa hoàn hảo” bởi không nhất thiết chỉ có sự yêu thương, chấp nhận hay bao dung trước “những điều chưa hoàn hảo” của mình, của người.

Nếu đề bài đặt câu lệnh: “Hãy trình bày suy nghĩ của em về quan niệm trên”, có lẽ các em sẽ rộng đất hơn cho suy ngẫm chăng?

Thí sinh tham gia thi vào lớp 10 THPT ở Hà Nội.

Ở câu nghị luận văn học, cô Tuyết đánh giá, đề đưa ra quan niệm về một trong những tiêu chí sống còn của thi ca, đó là “cái mới”. Quan niệm “Trong nghệ thuật, không phải cái mới nào cũng hay, nhưng chắc chắn cái hay nào cũng mới” về cơ bản là chính xác khi khẳng định vai trò của sự sáng tạo mới mẻ trong nghệ thuật.

Như ý của Nam Cao: “Văn chương cần khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”, hay như ý của Leonit Leonop: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”… Sự nhàm cũ, lặp lại là cái chết của nghệ thuật nói chung, của thi ca nói riêng.

Cũng cần nói thêm về biên độ ý nghĩa hơi rộng của từ “mới” trong cụm từ “cái hay nào cũng mới” – vì cái mới hàm chứa khá nhiều bình diện và mức độ, có thể là một cuộc cách mạng, có thể chỉ là đôi chút phá cách - nhiều khi một bài thơ hay chỉ bởi một tứ mới, một phá cách nho nhỏ trong hình thức hoặc nội dung, thậm chí vẫn trên nền cái truyền thống về thể loại, niêm luật hay ý tưởng.

Ví dụ tác phẩm Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu là một kiệt tác, trong đó tác giả đã phá cách mới mẻ về niêm luật dù vẫn trong cấu trúc của thất ngôn bát cú. Nhưng chính chi tiết này lại tiềm tàng khả năng bàn luận, phản biện, trao đổi cho những học trò có năng lực văn chương, nếu có câu lệnh mang tính mở.

Câu lệnh của đề, “…hãy làm rõ những “cái mới” góp phần tạo nên “cái hay” của một vài bài thơ Việt Nam được sáng tác sau năm 1975 trong chương trình Ngữ văn 9” còn tạo ra giới hạn cho sự cảm thụ của học trò khi xác định rõ ngữ liệu các em được sử dụng để chứng minh quan niệm trong đề.

Giả thiết các em không thấy những “bài thơ Việt Nam được sáng tác sau năm 1975 trong chương trình Ngữ văn 9” là hay, cũng không tìm thấy cái mới, tất yếu các em phải ép mình khen hay, khen mới. Rất cần tháo những cái khung giới hạn cho các em được tự do suy tưởng và xúc cảm, nhất là với học sinh chuyên văn, cô Tuyết nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, đề có khả năng khơi gợi sự hứng thú của học sinh, tuy nhiên câu nghị luận văn học vẫn còn hạn chế sức viết của học sinh khi giới hạn các tác phẩn sáng tác sau 1975.

Cụ thể, ở câu 2, đề yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học với một vấn đề đã rất quen thuộc trong văn chương: "Mới chưa chắc đã hay, hay phải mới".

Đối tượng trình bày là học sinh lớp 9 (14, 15 tuổi) nên bằng trải nghiệm văn học, học sinh lớp 9 khó nhận ra cái hay (trừu tượng). Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phát hiện những xử lý tinh tế của nhà văn để tạo nên cái độc đáo, mới mẻ (có thể cả trên nên cái cũ). Đề có vẻ “tham lam” bởi yêu cầu học sinh quá lớn về lí luận. Câu lệnh “cái mới” – “cái hay” được thể thể hiện còn lủng củng, gây khó khăn cho học sinh khi phân tích đề.

Hà Cường

Tin mới