Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề án 06 - Điểm sáng của chuyển đổi số quốc gia

(VTC News) -

Đề án 06 tạo nền tảng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) hồi tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, đây là đề án có sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao.

Bởi theo người đứng đầu Chính phủ, chuyển đổi số là công việc rất khó khăn, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó có thể đạt được kết quả. 

"Có thể nói, một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 hồi tháng 12/2023. (Ảnh: VGP)

Theo Thủ tướng, 2 năm thực hiện Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, "tham nhũng vặt"; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Tiết kiệm hơn 2.500 tỷ đồng/năm

Theo báo cáo của Tổ Công tác triển khai Đề án 06, qua 2 năm triển khai (2022, 2023), Tổ Công tác nỗ lực hoàn thiện thể chế, tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến với 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án số 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422 của Thủ tướng.

Riêng Bộ Công an mở rộng cung cấp 224/224 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tính đến cuối năm 2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6,8 triệu tài khoản đăng ký, hơn 119 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 29 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, hơn 20,3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 7.113 tỷ đồng.

Đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị; công khai hơn 6,3 nghìn thủ tục hành chính, trong đó đã tích hợp, cung cấp 4.591 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 11,2 triệu tài khoản (tăng hơn 2,73 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành).

Bên cạnh đó, hơn 269,1 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,7 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành); hơn 35,4 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2.500 tỷ đồng; hơn 21,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 9.513 tỷ đồng (tăng hơn 2,58 lần so với thời điểm trước khi Đề án 06 ban hành)…

Bộ Công an cấp hơn 70 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Chỉ thị 05 trước 10 ngày), hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc, duy trì dữ liệu dân cư bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống". Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 15 Bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương.

Ứng dụng VneID góp phần phục vụ Nhân dân, nâng cao công tác quản lý Nhà nước.

Đẩy mạnh sử dụng nền tảng định danh điện tử (VneID) như: tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế; làm thủ tục hàng không cho chuyến bay nội địa; khai báo lưu trú; tích hợp thông tin cư trú của công dân …

Về công tác phòng, chống tội phạm, quá trình thực hiện Đề án 06 bằng việc sử dụng CCCD, VNeID tạo lập tài khoản và giám sát được việc thu thuế. Ứng dụng dữ liệu dân cư, xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay, đảm bảo chính xác danh tính, phòng ngừa tội phạm lừa đảo, hạn chế rủi ro. Phục vụ cho vay tín chấp đối với công dân yếu thế, phòng ngừa tội phạm "tín dụng đen".

Xác thực thông tin thuê bao di động, từng bước loại bỏ tình trạng "sim rác" hoạt động lừa đảo, vu khống, đe dọa. Xác thực CCCD gắn chip, đối chiếu khuôn mặt, giải quyết tình trạng thi hộ, tráo người trong thi cử…

Bộ Công an đã hoàn thành, vượt chỉ tiêu triển khai 10 tiện ích trên VNeID theo chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời đang tập trung triển khai các tiện ích khác.

Những con số trên cho thấy, việc triển khai Đề án 06 là hoàn toàn đúng đắn, đã mang lại những kết quả rất cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương và hoạt động kinh tế - xã hội của người dân, doanh nghiệp.

Qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, quản trị thông minh, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Hơn hết, Đề án 06 góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân, tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Công an gương mẫu, đi đầu thực hiện Đề án 06

Cũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, Thủ trướng đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương, nhất là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an Nhân dân, sự quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo Bộ Công an.

Bên cạnh đó là sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp…

Phân tích thêm về các bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Đề án 06, Thủ tướng nhấn mạnh 3 nội dung.

Thứ nhất, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Thứ hai, có sự chủ động, tích cực vào cuộc của những người đứng đầu và việc làm lợi cho người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định.

Thứ ba, có sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Lực lượng Công an tỉnh Cao Bằng đến từng nhà làm căn cước cho người dân vùng cao. (Ảnh: TTXVN)

Nhận định, kết quả đến nay mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, Thủ tướng đồng ý lựa chọn chủ đề của năm 2024 là "Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hoá dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp".

Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, cố gắng hoàn thành trong năm 2024; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng dữ liệu công dân qua khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm đúng mục đích, chống lộ lọt dữ liệu, cố gắng hoàn thành trong quý II/2024.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cung cấp các tiện ích cho người dân như dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục…; và quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID, như tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…

Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng "Tài khoản an sinh xã hội" để mỗi người dân Việt Nam có tài khoản an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID.

Một yêu cầu nữa được Thủ tướng nêu là triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình tại Nghị quyết số 175 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia, tập trung vào phương án xây dựng, triển khai, tổ chức bộ máy của Trung tâm. Đồng thời, sớm xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Nhấn mạnh yếu tố quyết định thành công của Đề án 06 là sự vào cuộc của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo Chính phủ quán triệt phải làm lợi cho người dân và doanh nghiệp, tất cả vì Nhân dân phục vụ.

Lợi ích to lớn của Đề án 06 

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06, đánh giá chuyển động của Đề án 06 với 23 nhiệm vụ trong Chỉ thị 04 của Thủ tướng đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận, hưởng ứng rất lớn của các Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Những sản phẩm, lợi ích to lớn của Đề án 06 đưa ra đã được người dân, doanh nghiệp và xã hội vui mừng đón nhận và thụ hưởng. Lấy ví dụ tại TP Hà Nội, sau khi được Thủ tướng phủ đồng ý cho phép triển khai thí điểm, với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Hà Nội đã dùng ngân sách của địa phương đầu tư về hạ tầng công nghệ.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06

"Bước đầu, người dân đã được thụ hưởng những tiện ích về sổ sức khỏe điện tử, trong khám chữa bệnh, học bạ số, thanh toán không dùng tiền mặt trong an sinh xã hội… Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã giới thiệu những mô hình, cách làm hay của Hà Nội đến các địa phương và đến thời điểm này, nhiều địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, ứng dụng và triển khai các nội dung trên từ Đề án 06", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, ngày 22/4, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội triển khai thí điểm cung cấp lý lịch tư pháp trên VNeID.

Trước đây, trung bình một ngày có khoảng 500 hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp tại TP Hà Nội. Trong hai ngày đầu tiên triển khai thí điểm cấp lý lịch tư pháp trên VNeID, đã cấp trên 50% nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân.

 Đối với những người dân chưa biết thông tin, đến nộp hồ sơ trực tiếp đã được Sở Tư pháp Hà Nội và Thừa Thiên Huế phân luồng, hướng dẫn ngay từ cổng để làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID.

"Thay vì phải đến trực tiếp tại các Sở Tư pháp như trước, người dân ngồi ở bất cứ đâu với điện thoại thông minh, kết nối Internet đều dễ dàng thực hiện được việc đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Đây là bước đột phá rất lớn, báo chí và người dân rất ủng hộ, dư luận vô cùng vui mừng", ông Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc thông tin, VNeID đã cung cấp 8 tiện ích để phục vụ người dân, doanh nghiệp, xã hội, 23 tiện ích sẽ tiếp tục được cung cấp. Người dân không phải dùng giấy tờ giấy, không phải đến cơ quan công quyền, mất thời gian, công sức, chi phí…

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 làm việc với lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

Các sản phẩm từ Đề án 06 đang mang lại những lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Đánh giá những tồn tại, vướng mắc nếu không nhanh chóng được giải quyết sẽ là những “điểm nghẽn” rất lớn cho việc triển khai Đề án 06, chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng nhận thức và hành động của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương là vô cùng quan trọng, có yếu tố quyết định đến sự thành bại của chuyển đổi số.

"Như Thủ tướng đã khẳng định, đây là nhiệm vụ mới, khó, công nghệ liên tục thay đổi, nếu người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương không có quyết tâm chính trị cao, không sát sao, quyết liệt, chủ động thì sẽ khó có thể thực hiện hiệu quả", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã giới thiệu kinh nghiệm triển khai hiệu quả những mô hình ứng dụng chuyển đổi số của Đề án 06 của TP Hà Nội đến các bộ, ngành, địa phương, nhưng đến nay vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chủ động áp dụng, triển khai.

Phân tích những “điểm nghẽn” và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Chính phủ và Thủ tướng, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã chỉ ra “lời giải”.

Cần phải biết đầu tư trọng tâm, trọng điểm ở lĩnh vực, nội dung nào để phục vụ cho kết nối dữ liệu, phát triển dữ liệu, xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Vấn đề là các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, quyết liệt triển khai và triển khai đồng bộ mới đạt kết quả.

Lấy ví dụ về nhiệm vụ số hóa dữ liệu phục vụ thí điểm cấp lý lịch tư pháp trên VNeID, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã số hóa được 17 trường dữ liệu thông tin của công dân trên 22 trường thông tin mà Bộ Tư pháp đã công bố trong phiếu lý lịch tư pháp. Bộ Công an đã có hướng dẫn sử dụng 17 trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho người dân, cơ quan chức năng trong giải quyết thủ tục hành chính, cấp phiếu lý lịch tư pháp...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, hiện nhiều địa phương chưa chủ động áp dụng, triển khai và vẫn chờ để thực hiện những dự án trước đó đã được đăng ký, nguy cơ gây ra sự lãng phí, chậm trễ trong triển khai Đề án 06, chuyển đổi số… Hay như hiện nay, cùng với 7 ngân hàng đã tham gia, 44 ngân hàng khác cần phải nhanh chóng tham gia phục vụ cho việc thanh toán trong cấp lý lịch tư pháp trên VNeID.

Vai trò chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong nội dung này là rất quan trọng. Dẫn kinh nghiệm việc sau khi có dữ liệu dân cư, Thủ tướng đồng ý triển khai Đề án 06 và với những kết quả bước đầu của Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 175 triển khai Đề án xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia với 8 dữ liệu gốc để phát triển, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đặt câu hỏi với các Bộ, ngành, vậy hiện nay chúng ta cần phải tiếp tục có những định hướng lớn như thế nào để phục vụ cho chuyển đổi số, Đề án 06 được triển khai hiệu quả hơn nữa trong tương lai.

“Nếu chúng ta không chuẩn bị sớm, chuẩn bị tích cực nguồn nhân lực mà nguồn nhân lực đánh giá ở 2 vế tập huấn và đào tạo chuyên sâu để có thời gian sử dụng, đi vào từng lộ trình cụ thể thì sẽ khó triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra trong chuyển đổi số, Đề án 06.

Hay như chúng ta cần xây dựng được đề án năng lượng để thu hút hiệu quả các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trên lĩnh vực này, hoặc các công ty, tập đoàn của Việt Nam vươn mình ra khỏi Việt Nam đầu tư công nghệ vào các nước khác trên thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề xuất.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 06 phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Đây là đề án của cả hệ thống chính trị, của người dân, của doanh nghiệp, do Bộ Công an chủ trì làm nòng cốt, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, địa phương triển khai, với phương châm tất cả vì người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ

Với 13 nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của Đề án 06, đến nay, đã hoàn thành 67 nhiệm vụ, đang triển khai 13 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 12 nhiệm vụ.

Nhìn chung, việc thực hiện Đề án 06 tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, được thể hiện trên 3 khía cạnh: xây dựng nền hành chính văn minh; phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần phòng, chống tội phạm. 

Anh Văn

Tin mới